FSIS đề xuất công nhận tương đương cho cá tra Việt Nam
Cục thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) đã đề xuất với Văn phòng đăng ký liên bang Mỹ công nhận tương đương cho ngành cá da trơn (cá thuộc bộ Siluriformes) Việt Nam, trong đó, chủ yếu là cá tra, đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Văn phòng đăng ký liên bang Mỹ đã đăng bản dự thảo lấy ý kiến về đề xuất nêu trên của FSIS.
Bên cạnh Việt Nam, FSIS cũng đề xuất công nhận cho Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes vào Mỹ. Theo đó, đề xuất này thông báo về việc FSIS đưa ra quyết định công nhận hệ thống kiểm tra cá Siluriformes ở Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan tương đương với hệ thống của Mỹ. Đề xuất được đăng công khai và lấy ý kiến rộng rãi trong 30 ngày, tính từ ngày 14-9-2018.
VASEP cho biết cả ba quốc gia đã gửi đầy đủ tài liệu cho FSIS nhằm đánh giá và công nhận quá trình kiểm soát hệ thống chất lượng tương đương và đủ điều kiện xuất khẩu cá Siluriformes sang Mỹ. FSIS cũng đã xem xét tài liệu, tiến hành kiểm tra thực địa tại những quốc gia này.
Nếu đề xuất trên là quyết định cuối cùng của Mỹ, thì Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan sẽ đủ điều kiện xuất khẩu cá Siluriformes sang quốc gia này. Toàn bộ quy tắc kèm theo bản đề xuất sẽ được đưa vào Quy tắc liên bang (CFR).
Riêng đối với Việt Nam, tại hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai đề án giống cá tra 3 cấp” được tổ chức tại tỉnh An Giang hôm 21-8, ông Ngô Hồng Phong, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đoàn thanh tra của FSIS đã hoàn thành bước kiểm tra thực địa tại Việt Nam (bước 4) trong quy trình sáu bước để công nhận tương đương.
Cụ thể, gồm:
Bước 1, nước xuất khẩu yêu cầu FSIS đánh giá tương đương;
Bước 2, nước xuất khẩu hoàn thiện bản trả lời câu hỏi (SRT) và các hồ sơ kèm theo;
Bước 3, FSIS yêu cầu bổ sung thông tin, FSIS khẳng định SRT đã hoàn thiện, xem xét đánh giá trên hồ sơ;
Bước 4, thanh tra thực tế tại nước xuất khẩu;
Bước 5, thông báo dự thảo đánh giá để lấy ý kiến góp ý và bước 6 là công nhận tương đương (bằng một quy định chính thức).
Như vậy, với đề xuất ở trên của FSIS, quá trình công nhận tương đương cho ngành cá tra Việt Nam đã đi đến bước thứ 5 và chỉ còn chờ phía Mỹ ra quyết định chính thức.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ có hiệu lực từ ngày 1-3-2016. Tuy nhiên, FSIS cho các nước xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ thời gian chuyển tiếp 18 tháng để chuẩn bị các hồ sơ liên quan. Do đó, thời điểm chính thức áp dụng chương trình này là từ ngày 1-9-2017.
Theo đó, kể từ ngày 1-9-2017, nếu quốc gia nào không nộp hồ sơ đánh giá tương đương, sẽ không được phép xuất khẩu các sản phẩm cá da trơn vào Mỹ. Riêng Việt Nam đã nộp hồ sơ phục vụ đánh giá tương đương vào ngày 23-8-2017.
Theo lộ trình được FSIS thông báo rộng rãi với các nước, quyết định áp dụng kiểm tra 100% lô hàng cá da trơn xuất khẩu vào Mỹ được thực hiện từ ngày 2-8-2017, tức sớm hơn thời điểm chính thức một tháng.