TIN THỦY SẢN

Gập ghềnh đường ra biển lớn: Gỡ khó cho tàu 67

Nhiều tàu cá phải nằm bờ vì đánh bắt không hiệu quả. PV

Trước thực trạng nợ xấu của “tàu 67”, các địa phương yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp với NHTM đánh giá lại năng lực tài chính của từng chủ tàu.

Mỗi con tàu vỏ thép đóng mới có trị giá từ 15 - 18 tỷ đồng, có tàu hơn 20 tỷ đồng, trong đó, 95% là vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Bình quân hàng tháng, mỗi chủ tàu phải trả tiền gốc và lãi suất hơn 100 triệu đồng, cứ 3 tháng trả một lần.

Theo các quy định hiện hành, nếu chủ tàu không thanh toán theo phân kỳ hợp đồng tín dụng thì buộc các Ngân hàng sẽ chuyển thành khoản nợ “khó đòi”, “nợ xấu”, lúc đó sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trong điều kiện hoạt động khai thác thủy sản hiện nay gặp nhiều khó khăn, chủ tàu không có khả năng trả nợ.

Ngư dân Mai Thành Phúc, chủ tàu cá KH - 99146 vừa nhận được giấy triệu tập của Tòa án Nhân dân thành phố Nha Trang về việc Ngân hàng Đầu tư và phát triển - Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa khởi kiện ông chậm trả nợ. Ông Phúc lo lắng, từ đầu năm đến nay, tàu của ông đi cả 5 chuyến biển đều thua lỗ, không có tiền trả nợ ngân hàng, chứ không phải vì cố tình chây ì.

“Bây giờ ngư dân vay là phải trả, vì đây là trách nhiệm và bổn phận của người vay. Kẹt nỗi, chúng tôi không phải muốn là chây ì nhưng vì cuộc sống khó khăn lắm, ngân hàng cứ tìm hiểu cho rõ rang, có thể xuống chi cục Thủy sản, tôi nộp toàn bộ hồ sơ, nhật ký khai thác, bao nhiêu con, tất cả có sẵn trong đó”, ông Phúc nói.

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, việc Ngân hàng phân kỳ trả nợ vay vốn không chia đều trong 16 năm mà chủ tàu phải trả nợ gốc cao, sau đó giảm dần các năm sau gây khó khăn cho ngư dân. Nhiều chủ tàu không chấp nhận phương án cơ cấu lại nợ, kiến nghị điều chỉnh lại phân kỳ trả nợ theo từng quý, chia đều trong thời gian vay vốn 16 năm để được hưởng lãi suất theo quy định.

Ông Hồ Sỹ Trọng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Trị cho rằng, vốn vay đóng tàu theo Nghị định 67 do các Ngân hàng huy động trong dân với lãi suất lên tới 8,4%/năm, nhưng ngư dân vay lại chỉ với lãi suất 1%/năm là rất ưu đãi. Hiện, thời gian trả nợ được Trung ương nâng từ 11 năm lên 16 năm nhằm đảm bảo cho hệ thống ngân hàng an toàn về vốn, vừa phù hợp với vòng đời của tàu cá  nên không thể gia hạn thêm được nữa.

Trong khi đó,ông Trần Đình Khoái, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, những chủ tàu thực sự khó khăn cần được xem xét, nhưng cũng cần kiên quyết với chủ tàu chây ỳ, không chịu trả nợ.

“Nếu khách hàng hợp tác có trả nợ, thì chúng tôi cũng sẵn sang để cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian trả nợ để có khả năng trả. Đối với trường hợp tàu chây ỳ, không trả nợ, trước hết là vận động, nếu không được có thể thu giữ không cho tàu ra khơi. Nợ chuyển sang nợ xấu, chúng tôi cương quyết khởi kiện ra cơ quan tòa án”, ông Trần Đình Khoái cho hay.

Tàu vỏ thép ở Bình Định mới đóng đã hỏng hóc ảnh hưởng chuyến biển của ngư dân.

Nghị định 17 bổ sung Nghị định 67 quy định “Cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản. Chủ tàu mới tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.” Thế nhưng, phương án chuyển nhượng lại tàu cá cũng gặp không ít khó khăn. Bởi thực tế, hầu hết các chủ tàu được tiếp cận vốn vay ưu đãi Nghị định 67 đều là những người có năng lực, kinh nghiệm với nghề biển. Việc thu hồi tài sản, chuyển đổi chủ tàu là rất khó.

Ngoài ra, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đối với tàu cá 67 chuyển nhượng, chủ sở hữu mới phải nhận toàn bộ khoản nợ từ chủ sở hữu cũ, bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ, chưa trả cho ngân hàng trước thời điểm bàn giao.

Ông Võ Nam Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, chủ tàu mới chỉ đồng ý nhận theo giá trị thực tế tại thời điểm nhận tàu, không đồng ý nhận cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng.

“Đối với các chủ tàu cá có phát sinh nợ xấu, không còn khả năng trả nợ hoặc chây ỳ trong trả nợ, ngân hàng kiên quyết xử lý tài sản đảm bảo (là con tàu) để thu hồi nợ. Tuy nhiên, nếu thu hồi tàu bán đấu giá thì ngân hàng đang gặp khó khăn trong bảo quản con tàu, tìm các nơi, bến bãi neo đậu, ảnh hưởng giá trị con tàu khi bàn giao cho chủ mới”, ông Võ Nam Thắng nêu rõ.


Nhiều ngân hàng khởi kiện chủ tàu cá 67 ở miền Trung vì cho rằng chây ì không chịu trả nợ.

Trước thực trạng nợ xấu của “tàu 67”, các địa phương yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng thương mại đánh giá lại năng lực tài chính của từng chủ tàu. Cơ quan chức năng trao đổi về tình hình hoạt động, khai thác để ngân hàng đánh giá đúng về khách hàng; nghiên cứu phương án chuyển các nguồn hỗ trợ, nguồn vốn ưu đãi như: nhiên liệu, tiền hỗ trợ ngư dân về tài khoản ngân hàng cho vay để hỗ trợ ngân hàng quản lý đồng vốn đầu tư, đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích. Qua đó, tạo điều kiện cho những chủ tàu thật sự khó khăn tiếp tục khai thác và trả nợ; kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với những chủ tàu cố tình chây ì, không trả nợ vay Ngân hàng.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đôn đốc các chủ tàu thực hiện đúng hợp đồng cam kết với ngân hàng.

“Chính sách này tôi thấy rất nhân văn, vừa nâng cao đời sống cho ngư dân vừa góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia nhưng mà khó khăn vướng mắc. Từ hồ sơ thiết kế, bản vẻ, thẩm định, việc cấp phép tăng thêm ngành nghề từ lưới rê sang lưới chụp mà hẹn lui hẹn tới, chạy ra đến tận Hà Nội thì quả là nhiêu khê, khó khăn. Chúng tôi chia sẻ và sẽ kiến nghị ngay để phân cấp về cho tỉnh để làm sao các thủ tục đơn giản, nhanh gọn  và chính sách đến với bà con”, ông Hà Sỹ Đồng chia sẻ.

PV VOV- Miền Trung