TIN THỦY SẢN

Giá tôm ở Nhật Bản đạt mức cao kỉ lục do đồng yên mất giá và nguồn cung giảm

Nguồn cung cấp tôm bị thiếu hụt do sự lan truyền dịch bệnh ở các nước sản xuất cùng với sự định giá thấp hơn đồng yên đã khiến giá tôm bán buôn ở Nhật Bản tăng cao.

Giá bán buôn tôm đông lạnh nhập khẩu đang tăng cao ở Nhật Bản do nguồn cung giảm đáng kể, mà nguyên nhân là do sự lan truyền dịch bệnh ở các ao nuôi thuộc khu vực Đông Nam Á kể từ mùa thu năm ngoái.

Ngoài ra, việc đồng yên mất giá và đồng USD tăng giá khoảng 20% ở các quốc gia sản xuất cũng khiến giá tôm ở Nhật Bản tăng.

Giá bán các loài tôm nuôi chủ yếu ở Thái Lan đã tăng lên mức cao kỉ lục.

Theo dự đoán, giá tôm có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới, vì dự báo nguồn cung khó có thể tăng nhiều vào đầu vụ hè này và cả sau đó – khi mà sản lượng thu hoạch tôm thường tăng cao.

Tại Thái Lan, dịch bệnh tôm nghiêm trọng nhất đang xảy ra.

Giá bán buôn tôm chân trắng – loài tôm được bán phổ biến nhất tại các siêu thị và hệ thống bán lẻ khác - ở Nhật Bản hiện ở mức 1.800 yên/1,8 kg (bỏ đầu, cỡ 13 g), tăng khoảng 40% so với hồi cuối năm ngoái, trở lại mức giá cao kỉ lục trước đây.

Do hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân lan truyền dịch bệnh tôm, nên từ đầu năm nay nhiều người nuôi tôm đã tạm ngừng nuôi hoặc giảm số lượng thả nuôi tôm giống.

Sản lượng tôm của Thái Lan năm nay dự đoán có thể giảm 20-30% so với năm ngoái.

Ngay trước Tuần lễ Vàng vào đầu tháng 5 – mùa tiêu thụ tôm cao điểm ở Nhật Bản (chỉ sau dịp cuối năm), một nhân viên cao cấp của một công ty thương mại thủy sản lớn đã cho biết trong bối cảnh tiếp tục thiếu hụt nguồn cung trầm trọng như hiện nay thì khó có thể thu mua đủ khối lượng đáp ứng nhu cầu thị trường và đây là tình huống chưa từng xảy ra.

Bên cạnh tôm chân trắng, giá tôm sú cũng có xu hướng tăng, do loài này có cỡ lớn và được dùng làm món tempura và các món chiên tại nhiều nhà hàng

Giá bán buôn tôm sú Inđônêxia tiêu chuẩn (bỏ đầu, cỡ 25g) đã tăng trên 40% so với hồi cuối năm ngoái, lên mức 2.900 yên/1,8 kg – mức giá cao kỉ lục vào giữa những năm 1990.

Kể từ mùa hè năm ngoái, người mua tôm Nhật Bản có xu hướng tập trung vào sản phẩm tôm sú của Inđônêxia sau khi phát hiện tôm nhập khẩu từ Ấn Độ và Việt Nam chứa dư lượng chất chống ôxy hóa vượt ngưỡng giới hạn tiêu chuẩn của nước này.

Trong khi nguồn cung giảm, các đơn đặt hàng lại không ngừng tăng, nhất là các đơn đặt hàng từ Mỹ - quốc gia có nền kinh tế đang trên đà phục hồi.

Theo quan sát của một người bán buôn ở chợ cá Tsukiji (Tokyo), tiêu chuẩn về dư lượng chất chống ôxy hóa trong thực phẩm nhập khẩu của Nhật Bản khắt khe hơn so với các quốc gia khác. Vì vậy, ngày càng nhiều nhà xuất khẩu tôm chuyển hướng sang các thị trường khác nhằm tránh rắc rối.

Một nhà nhập khẩu Nhật Bản cũng cho biết, trước đây khi nước này là một khách hàng tôm lớn, có tính chi phối trên thị trường, các nhà xuất khẩu thường áp dụng các biện pháp như giảm giá tôm tính theo đồng USD khi đồng yên mất giá. Tuy nhiên, điều này không xảy ra vào thời điểm hiện tại do còn có nhiều người mua khác ngoài Nhật Bản.

Giá tôm bán buôn cao cũng ảnh hưởng đến khu vực thị trường bán lẻ.

Mới đây, một siêu thị ở thành phố Tokyo đã tăng giá bán khá cao cho sản phẩm tôm chân trắng Thái Lan từ 98yên/100 g lên 128 yên/100 g.

“Chúng tôi đang cố gắng giữ nguyên mức giá trên mỗi gói hàng bằng việc giảm trọng lượng bên trong. Nhưng nhìn chung khối lượng bán ra chỉ bằng khoảng một nửa năm ngoái do việc thu mua hàng khá khó khăn.” nhà nhập khẩu này cho biết.

Trong một cửa hàng thủy sản tươi ở khu vực Tokyo, giá bán tại quầy tôm sú Inđônêxia đã tăng khoảng 10% lên mức 780-880 yên/10 con.

Tôm chân trắng, loài thủy sản có hiệu quả nuôi cao hơn, đã xuất hiện trên thị trường tôm đông lạnh vào đầu những năm 2000, khiến giá tôm nói chung giảm.

Trong suốt vài năm qua, giá tôm ở Nhật Bản ổn định ở mức thấp do các yếu tố như suy thoái kinh tế và đồng yên tăng giá.

Seafoodnews