Giải pháp “cứu” ngành xuất khẩu mũi nhọn
Trước tình hình các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn lớn, trong đó chủ yếu là khó khăn về vốn, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cùng đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã có cuộc họp (13/6) nhằm tìm giải pháp cứu ngành xuất khẩu cá tra, một mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của thủy sản Việt Nam.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Những con số liên tiếp tụt giảm
Theo Vasep, mặc dù trong5 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng hơn 11% so cùng kỳ năm ngoái nhưng ngành thủy sản đã và đang gặp rất nhiều khó khăn về nguyên liệu, vốn, thị trường, tính cạnh tranh, lợi nhuận giảm.
Sự khó khăn này đã đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nối đuôi nhau đóng cửa. Theo Vasep, sau quý I năm nay, số doanh nghiệp chỉ còn hơn 470, giảm 330 doanh nghiệp, tương đương với giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm mặt thị trường xuất khẩu EU, một thị trường lớn nhất trong số 130 thị trường tiêu thụ thủy sản Việt Nam, cũng đã giảm 7,9 % so cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này cũng giảm gần 5% (còn 19,7%).
Tôm và cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì đều giảm mạnh. Trong khi một số mặt hàng khác như cá ngừ, mực, bạch tuộc sang thị trường này lại vẫn khả quan.
Sự tụt giảm các con số trên thị trường cũng kéo theo sự tụt giảm hoạt động sản xuất trong nước. Theo Vasep, hiện chỉ có khoảng 30% số nhà máy chế biến thủy sản tôm và cá hoạt động được 70% công suất trở lên, 30% còn lại hoạt động chưa đến 50% công suất, 20% hoạt động chưa đến 30% công suất/ngày, 20% còn lại gần không như không hoạt động.
Tiếp cận vốn ngân hàng
Bên cạnh khó khăn về thị trường, các doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc thắt chặt tín dụng, đẩy lãi suất lên cao của các ngân hàng. Để cứu vãn tình tình, các doanh nghiệp buộc phải bán tháo nguyên liệu dưới giá thành, lấy tiền trả nợ ngân hàng, tránh quá hạn. Theo một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, lãi suất, chi phí 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái “đội” lên gấp đôi. Chẳng hạn lãi suất 6 tháng đầu năm ngoái ở biên độ 12-13%, nhưng 6 tháng đầu năm nay đã nhảy lên 19-20%, cùng với thuế môi trường, xăng dầu, điện, chi phí lao động tăng lên...
Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Vasep, có đến 80% doanh nghiệp thủy sản lệ thuộc 100% vốn vay ngân hàng. Trong đó, có hơn 50% doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích, lấy vốn ngắn hạn, đầu tư sang dài hạn, không quay vòng vốn được, nên lỗ là điều dễ hiểu; 30% doanh nghiệp thủy sản vay vốn đầu tư ra ngoài ngành như địa ốc, tài chính.
Theo khảo sát của Vasep, có đến 90% số doanh nghiệp muốn tăng hạn mức vay vốn, nhằm bổ sung vốn lưu động cho chế biến, cho nuôi cá tra và mua nguyên, nhiên, vật liệu, thức ăn cho vùng nuôi.
Do đó cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng để giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, việc đưa ra các chính sách cho người nuôi và doanh nghiệp cần phải hết sức thận trọng, để không vi phạm các nguyên tắc quốc tế, không làm méo mó chính sách vĩ mô.
Tổ chức lại sản xuất
Theo Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cuc Thủy sản Vũ Văn Tám, giải quyết khó khăn về tiếp cận vốn ngân hàng chỉ mới là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, ngành thủy sản cần phải tổ chức lại ở các khâu xuất khẩu, sản xuất nguyên liệu trong nước, khoa học kỹ thuật.
Về khâu xuất khẩu cần tổ chức lại thị trường xuất khẩu, không để một thị trường nhiều doanh nghiệp chào bán giá một cách tự do như hiện nay; thống nhất về chất lượng, thương hiệu cá tra của Việt Nam. Bên cạnh đó, phải tổ chức lại sản xuất trong nước, theo chuỗi sản phẩm, có cơ chế chia sẻ rủi ro, lợi nhuận giữa các khâu trong chuỗi. Ngoài ra, về khoa học kỹ thuật, cần tìm cách thay thế toàn bộ giống hiện nay bằng giống chất lượng.
Hiện Vasep đang chia các doanh nghiệp hoạt động trong ngành xuất khẩu thủy sản làm 3 nhóm để tái cấu trúc. Nhóm I là nhóm đang phát triển và làm ra lợi nhuận, chiếm khoảng 20% số doanh nghiệp, là những doanh nghiệp đầu tư đúng hướng vào ngành nghể thủy sản (nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu…), có tỷ lệ vốn vay gấp 2 lần vốn tự có. Riêng cá tra, có 70 doanh nghiệp, thì mới chỉ khoảng 15 doanh nghiệp nằm trong nhóm này.
Nhóm 2 là nhóm "có một đồng, đi vay tới 4 đồng”, hiện gặp khó khăn, chiếm tới 50%. Nhóm này đang được Vasep đề nghị ngân hàng tái cấu trúc vốn cho họ, có thể chuyển vốn thành trung hạn. Vốn lưu động ngắn hạn của doanh nghiệp đang thiếu, ngân hàng có thể bơm thêm cho họ hoạt động, từng bước ngân hàng thu hồi lại nợ.
Nhóm 3 là số doanh nghiệp còn lại, khoảng 30%, gần như lệ thuộc hoàn toàn vào vốn vay. Nhóm này, Vasep đề nghị ngân hàng chấp nhận lỗ, bán nhà máy của DN để thu hồi nợ cho nhóm I, vừa giải quyết được duy trì sản xuất được nhóm 3, lao động, mà ngân hàng có khả năng thu hồi nợ.