Giải pháp 'đột phá' trong thức ăn cho cá ngừ
Một loại thức ăn tổng hợp mới cho cá ngừ đã được thử nghiệm thành công, đánh dấu một bước đột phá cho nghề nuôi cá ngừ bền vững do lượng bột cá và dầu cá trong thức ăn này đã được giảm xuống đến 10 lần.
Các nhà khoa học của công ty Ichthus Unlimited đã tiến hành thử nghiệm nhiều loại thức ăn khác nhau được làm từ đậu nành để nuôi ấu trùng cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương ở Tây Ban Nha và con non của cá ngừ vây vàng ở Panama.
Dựa vào những kinh nghiệm này, một loại thức ăn đã được thử nghiệm thành công để nuôi cá ngừ Thái Bình Dương trong lồng lưới ở ngoài khơi bờ biển tây bắc Mexico. Thông thường, cá ngừ ở đây được nuôi bằng cá mòi đánh bắt từ tự nhiên với hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) là 28:1. Trong khi loại thức ăn tổng hợp mới này có FCR giảm xuống còn 4:1.
Một thuận lợi khác của loại thức ăn mới này là lợi ích đối với môi trường. Bởi vì thức ăn nổi có thể được giám sát tốt hơn và thức ăn thừa có thể được thu hồi. Đồng thời nó có hàm lượng dinh dưỡng cao, đòi hỏi khối lượng ít hơn, được ước lượng là tiết kiệm gần 2 lần so với sử dụng cá mồi và được làm từ các thành phần có thể tái tạo, bền vững.
Bước đột phá này, đã được tiến sĩ Alejandro Buentello của công ty Ichthus Unlimited giới thiệu tại “Hội nghị Nuôi biển xa bờ” ở Ensenada, Mexico vào tháng vừa rồi, đã có ảnh hưởng tiềm tàng đến việc bảo vệ quần đàn cá ngừ tự nhiên có nguy cơ tuyệt chủng.
Buentello đã cho biết: “Các kết quả nghiên cứu thành công sẽ giúp cho nghề nuôi cá ngừ bền vững và có thể trở thành nền tảng cho sự phát triển của sản xuất thức ăn thương mại dành cho cá ngừ”.
Ông cũng nói thêm: “Trong một chu trình nuôi cá ngừ khép kín, từ ấp trứng đến khi thu hoạch kết hợp với thức ăn nuôi thương phẩm bền vững đã cho chúng tôi cơ hội tốt nhất để ngăn chặn sụt giảm quần đàn cá ngừ tự nhiên, trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu cá ngừ của thị trường thế giới”.
Trong thập niên qua, đã có nhiều tiến bộ trong việc phát triển kỹ thuật sản xuất giống để khép kín chu trình nuôi từ trứng đến cá ngừ thương phẩm. Mặc dù có những nổ lực như thế, nhưng hầu hết cá ngừ “nuôi” ngày nay thật ra là từ con non bị đánh bắt trong tự nhiên, được vỗ béo trong các lồng nuôi biển cho đến khi đạt kích cỡ thương phẩm. Có một trở ngại chính cho sự bền vững của nghề nuôi cá ngừ, đó là cần phải có một lượng lớn cá mồi được đánh bắt trong tự nhiên để cho cá ngừ ăn trong suốt giai đoạn nuôi thương phẩm.
Mark Albertson, thuộc Hiệp hội Đậu nành Illinois, nói rằng nông dân ở Illinois là những người hỗ trợ lâu dài cho nuôi trồng thủy sản bền vững. Dự án này là một ví dụ điển hình về nông dân giúp nông dân. Ông cũng nói thêm rằng đột phá này là một bước tiến quan trọng đối với việc khép kín chu trình nuôi các loài cá ngừ, làm giảm áp lực đối với quần thể cá ngừ tự nhiên.