TIN THỦY SẢN

Giải pháp hạn chế dịch bệnh nhờ nuôi tôm 2 giai đoạn

Giải pháp hạn chế dịch bệnh nhờ nuôi tôm 2 giai đoạn Trần Trung Thành

Nghệ An là một tỉnh có diện tích nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ tương đối lớn, với trên 2100 ha chủ yếu hiện đang nuôi tôm. Những năm gần đây việc nuôi tôm ở một số khu vực nuôi lâu năm sản lượng không ổn định, nghề nuôi tôm đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhiều vùng đã bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh xảy ra.

Theo thống kê tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi năm 2016 là 238ha, năm 2017 là 150,27ha (trong đó bệnh vius đốm trắng 61,62ha; hoại tử gan tụy cấp 54,71ha; các bệnh khác là 33,94 ha). Đa số bệnh thường xuất hiện dưới 40 ngày thả nuôi.

Bên cạnh đó, môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, chi phí sản xuất ngày càng tăng cao, làm cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn và rủi ro trong quá trình nuôi dẫn đến hiệu quả kém.

Thời điểm vào vụ chính, do nhiều người thả lượng con giống khan hiếm, có thời điểm “cháy giống” và nhiều vùng đã định ngày thả nhưng chưa có giống. Thậm chí có nơi đã lấy giống ở các cơ sở không tin cậy về ương gièo hoặc thả thẳng nên tỷ lệ hao hụt còn lớn, chất lượng chưa cao. Chính vì vậy người nuôi không chủ động được nguồn giống và giá cả theo đó cũng tăng lên, chất lượng con giống cũng khó kiểm soát.

Việc ứng dụng “Tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn” là giải pháp giải quyết được cơ bản những vấn đề trên đó là:

- Người dân có thể chủ động, kiểm soát được con giống và mùa vụ thả nuôi. 

- Gối đầu giữa vụ này và vụ khác để có thời gian cải tạo ao hồ và xử lý nước được kỹ hơn theo quy trình sản xuất.

- Giai đoạn đầu con giống được lấy về có kích thước nhỏ nên có thể nuôi được ở mật độ cao từ 1000 - 3000 con/m3 (thậm chí có nơi đã ương trên 10.000 con/m3). Nên ao ương với diện tích nhỏ có thể ương được lượng giống lớn cung cấp cho nhiều ao cùng một thời điểm.

- Ương trong thời gian ngắn (20-30 ngày) và diện tích ao ương nhỏ (100 – 500m2) nên quản lý, kiểm soát ao nuôi dễ dàng, quy trình nuôi ít thay nước, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, giảm tải lượng chất thải, giảm chi phí nhân công, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và đất. 

- Từ yếu tố ổn định môi trường, quản lý, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng tốt nên chất lượng tôm khỏe, tỷ lệ sống cao và đặc biệt hạn chế tối đa mầm bệnh nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp (vì bệnh hoại tử gan tụy thường biểu hiện ở giai đoạn <40 ngày tuổi).

- Khi ương nuôi ở quy trình này, giúp rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm, tốc độ tăng trưởng nhanh, giảm chi phí, tăng vụ nuôi/năm, đem lại hiệu quả kinh tế và khả năng quay vòng vốn nhanh.

Với những ưu điểm đó, việc áp dụng kỹ thuật nuôi “Tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn” là giải pháp để giảm thiểu những rủi ro trong sản xuất, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là khắc phục bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS/EMS), ổn định quy trình sản xuất đồng thời tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Trần Trung Thành TTKN Nghệ An