Giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tổn thất chất lượng cá ngừ của nghề câu tay kết hợp ánh sáng
Ngày 13/07/2013, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam (VINATUNA) đã tổ chức buổi “Tọa đàm bàn một số giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tổn thất chất lượng cá ngừ của nghề câu tay kết hợp ánh sáng”.
Tham gia buổi tọa đàm có các chuyên gia đến từ Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), đại diện Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng (RIMF), Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác Thủy sản – Trường Đại học Nha Trang, các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các Hiệp hội Cá ngừ. Bên cạnh đó, tham dự buổi tọa đàm còn có đại diện của một số Công ty chế biến, xuất khẩu cá ngừ và ngư dân của 3 tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên. Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam – Ông Vũ Đình Đáp, TS. Chu Tiến Vĩnh - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và TS. Somboon Siriraksophon chuyên gia của SEAFDEC – đã đồng chủ trì buổi tọa đàm.
Mục tiêu chính của buổi tọa đàm đó là “Bàn một số giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tổn thất chất lượng cá ngừ của nghề câu tay kết hợp ánh sáng”. Đồng thời, VINATUNA đã có báo cáo sơ bộ về hiện trạng nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam. Bên cạnh đó, một số kết quả nghiên cứu của Dự án “Đánh giá chất lượng sản phẩm cá ngừ đại dương nghề câu tay kết hợp ánh sáng” cũng được Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác Thủy sản – Trường Đại học Nha Trang trình bày. Theo đó, tốc độ thu câu, phương pháp giết và xả máu cá triệt để, phương pháp bảo quản là 3 nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc giảm chất lượng cá ngừ câu tay. Đại diện SEAFDEC, TS. Somboon Siriraksophon đã có bài trình bày phân tích về quá trình biến đổi sinh hóa trong cơ thịt của cá ngừ. Theo đó, khi cá cắn câu ở độ sâu 70 – 100m nước, với tốc độ thu câu rất nhanh (không quá 3 phút) thì sự thay đổi áp suất, nhiệt độ ở các tầng nước cộng với sự vùng vẫy của cá để chống lại sức kéo của ngư dân đã làm sản sinh một lượng lớn axit lactic bên trong cơ thịt cá ngừ. Chính axit lactic là nguyên nhân phá hủy chất lượng thịt cá ngừ (làm mềm thịt cá, giảm độ pH, tăng độ chua…). Đồng thời, TS. Somboon Siriraksophon cũng đưa ra các dẫn chứng về nghề câu tay cá ngừ ở các nước như Philippines, Nhật Bản và của Châu Âu. Theo đó, ở Philippines, sau khi cắn câu, cá ngừ được cho bơi tự do dưới nước trong khoảng 4 – 5 giờ đồng hồ. Cá chỉ được đưa lên tàu khi đã chết hoặc kiệt sức. Ở Châu Âu và Nhật Bản, cần câu tay được gắn thiết bị kiểm soát tốc độ thu câu, nhằm đảm bảo cho cá không bị “stress”.
Qua thảo luận giữa các chuyên gia, nhà khoa học và ngư dân, có thể kết luận rằng tốc độ thu câu nhanh, làm cho cá bị ức chế - “stress” và sản sinh nhiều Axit Lactic là nguyên nhân chính làm giảm chất lượng cá ngừ câu tay. Tại buổi tọa đàm, TS Somboon Siriraksophon đã đề xuất 3 nhóm giải pháp cho nghề cá ngừ Việt Nam bao gồm 2 giải pháp tạm thời và 1 giải pháp lâu dài nhằm khai thác bền vững nguồn lợi cá ngừ ở Việt Nam. Đó là:
1. Khai thác cá ngừ bằng nghề câu tay nhưng đưa cá lên tàu theo kiểu câu vàng. Cụ thể: các tàu câu tay thiết kế một dây triên, có gắn phao bù và dù. Còn các thẻo câu tay có gắn móc khóa. Khi cá cắn câu tay, chuyển móc khóa sang dây triên chính và để cá bơi tự do dưới nước. Khoảng cách giữa 2 móc thẻo trên dây triên chính phải lớn hơn gấp đôi chiều dài thẻo câu. Đồng thời, lợi dụng sức gió hoặc dòng chảy để kéo phao bù ra xa tàu nhằm tránh hiện tượng rối dây câu hoặc dây câu quấn vào tàu.
2. Học tập công nghệ của Nhật Bản và Châu Âu: Sử dụng loại cần câu hiện đại, có máy điều chỉnh tốc độ thu câu gắn ở cần câu nhằm cho cá bơi tự do dưới nước, đồng thời điều chỉnh tốc độ thu câu phù hợp.
3. Sử dụng chà (FADs) để tập trung cá ngừ về ngư trường của mình và câu tay vào ban ngày, việc thu câu và điều chỉnh dây câu và tốc độ thu câu sẽ dễ dàng hơn. Giải pháp thứ 3 này mang tính lâu dài, hướng đến khai thác bền vững.
Sau nhiều thảo luận, buổi tọa đàm đã đi đến kết luận sẽ thử nghiệm áp dụng giải pháp 1 đó là khai thác cá ngừ bằng nghề câu tay đưa cá lên tàu theo kiểu câu vàng. Theo ý kiến các ngư dân, phương án này rất có khả thi, dễ thực hiện ngay và chi phí thấp. Kết quả của các thử nghiệm này sẽ được các ngư dân tham gia buổi tọa đàm báo cáo cho VINATUNA sau khi kết thúc chuyến biển sắp tới.