TIN THỦY SẢN

Giải quyết ô nhiễm vùng nuôi cá ở cồn Bà Hòa

Một góc vùng nuôi cá ở cồn Bà Hòa. Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Từ khi Công ty Cổ phần (CP) Nam Việt triển khai vùng nuôi cá rộng hàng chục héc-ta ở xã Bình Thạnh (Châu Thành), người dân nơi đây rất lo lắng trước tình trạng ô nhiễm môi trường do nước từ các ao nuôi thải ra. Sau khi UBND tỉnh và các ngành chức năng vào cuộc, phía Công ty CP Nam Việt đã chấp hành việc ngừng thả nuôi mới để chờ kết luận thanh tra. Đồng thời, doanh nghiệp đang phối hợp với địa phương tìm giải pháp cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng.

Là một đại biểu HĐND tỉnh,  ông Đặng Hoài Dũng đã từng nhiều lần nhận được kiến nghị của cử tri xã Bình Thạnh (còn gọi là cồn Bà Hòa) về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở một đoạn của sông Hậu. Nguyên nhân do doanh nghiệp xả thải trực tiếp từ ao nuôi ra sông mà chưa qua xử lý. Sau khi trực tiếp đến tham quan vùng nuôi cá của Công ty CP Nam Việt, lắng nghe ý kiến người dân, ông Dũng đặt vấn đề: “Suốt trong thời gian dài, cả trăm hộ dân ở cồn Bà Hòa phải sử dụng nguồn nước dưới sông Hậu để sinh hoạt, ăn uống dù biết nước bị ô nhiễm. Nếu chưa có biện pháp khắc phục tình trạng này thì phải đầu tư nguồn nước máy sạch cho dân sử dụng”.

Tại kỳ họp lần thứ 6, HĐND tỉnh vừa qua, vấn đề ô nhiễm từ vùng nuôi cá ở cồn Bà Hòa là một trong những vấn đề “nóng” rất được cử tri và đại biểu quan tâm. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Khánh lưu ý: “Đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và lãnh đạo huyện Châu Thành hết sức quan tâm vấn đề ô nhiễm vùng nuôi cá ở Bình Thạnh. Đây là vấn đề người dân rất bức xúc”. Ông Khánh yêu cầu sau khi có kết luận thanh tra, Sở TN-MT phải xử lý công khai và có báo cáo trước HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2013.

Từ phản ánh của người dân, phóng viên Báo An Giang đã trực tiếp đến khảo sát vùng nuôi cá của Công ty CP Nam Việt ở cồn Bà Hòa. Mỗi ao nuôi có diện tích khoảng 1 héc-ta, được đào nối tiếp nhau chạy trên khu đất bãi bồi dọc theo đầu cồn, nằm cách khu dân cư bởi một nhánh sông nhỏ. Ông Lý Lâm Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, cho biết, theo đăng ký của Công ty CP Nam Việt, tổng diện tích quy hoạch vùng nuôi cá tra giai đoạn 1 là 59 héc-ta. Tuy nhiên, doanh nghiệp mới thực hiện thả nuôi được 22 ao với diện tích tương đương 22 héc-ta. Nguyên nhân gây ô nhiễm là do doanh nghiệp không đưa nước thải qua hệ thống ao lắng lọc, mà bơm trực tiếp ra sông Hậu. Trước thực trạng này, ngày 7-5-2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cùng các ngành chức năng đã có buổi làm việc với UBND xã Bình Thạnh và đại diện Công ty CP Nam Việt. Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp phải dừng ngay việc thả mới cá giống vào ao nuôi, không lắp đặt thêm cống xả thải và có biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. “Qua giám sát vùng nuôi, chúng tôi thấy doanh nghiệp không thả thêm lứa cá nào. Gần đây, nhiều đợt cá đã được thu hoạch và diện tích nuôi thu hẹp hơn so với trước”, ông Vũ thông tin.

Cũng theo lời Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, ở khu vực gần vùng nuôi cá hiện có 87 hộ dân vẫn còn sử dụng nước dưới sông để sinh hoạt, ăn uống. Trước tình trạng nguồn nước ô nhiễm, Công ty CP Nam Việt đã tính đến phương án bơm nước từ sông cái vào để dân sử dụng. Tuy nhiên, một số hộ không đồng ý. Mới đây, Công ty đã đạt được thỏa thuận với Xí nghiệp Điện nước huyện Châu Thành và chính quyền địa phương về việc lắp đặt đường ống, cung cấp nước sạch cho người dân. Theo đó, Xí nghiệp Điện nước sẽ chịu 50% chi phí đầu tư đường ống cấp nước mới, 50% còn lại do Công ty CP Nam Việt chi trả thông qua UBND xã Bình Thạnh. “Trước đó, doanh nghiệp này đã chịu chi phí lắp đặt đồng hồ điện cho dân sử dụng, sắp tới sẽ có nước sạch. Nhìn chung, doanh nghiệp tuy có sai phạm gây ô nhiễm môi trường nhưng cũng có thiện chí khắc phục hậu quả”, ông Vũ nói.

Ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết, cuối tháng 6 vừa qua, Thanh tra Sở TN-MT đã tổ chức đợt thanh tra toàn diện liên quan đến việc sử dụng nước và bảo vệ môi trường tại vùng nuôi cá nguyên liệu của Công ty CP Nam Việt. Kiểm tra bước đầu cho thấy, doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ các tiêu chí về bảo vệ môi trường nên đã yêu cầu khắc phục. Dự kiến, cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 năm nay, Sở TN-MT sẽ có kết luận thanh tra chính thức. Khi đó, đơn vị sẽ đề xuất với UBND tỉnh biện pháp xử lý kiên quyết, không để tình trạng ô nhiễm tái diễn ở khu vực này.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN Báo An Giang