TIN THỦY SẢN

Giảm giá thành nuôi cá tra bằng cách cho ăn gián đoạn

Nuôi cá tra bằng cách cho ăn gián đoạn là giải pháp giúp giảm giá thành nuôi cá tra (ảnh chụp tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang). THÀNH CÔNG

Gần 5 tháng trở lại đây, giá cá tra luôn ở mức thấp trong khi giá thành sản xuất liên tục tăng khiến nông dân nuôi cá tra luôn trong tình trạng thua lỗ. Chính vì vậy, việc giảm giá thành nuôi cá tra bằng cách cho cá ăn gián đoạn được xem là giải pháp giúp người nuôi cá tra trụ được với nghề trong giai đoạn hiện nay.

Theo phương pháp nuôi truyền thống, người nuôi cá tra thường cho ăn liên tục nhiều lần trong ngày nhằm thúc cá tăng trọng nhanh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về nuôi cá tra cho rằng phương pháp nuôi này không mang lại hiệu quả cao do tiêu hóa chậm, thức ăn không sử dụng triệt để và làm giảm sự hấp thu dinh dưỡng; trong khi đó phương pháp nuôi gián đoạn đã thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An (Cần Thơ) cho biết, trong các mô hình nuôi cá tra hiện nay, chi phí thức ăn thường chiếm đến 70 - 80% giá thành sản xuất với hệ số thức ăn dao động trong khoảng 1,6 - 1,85 (để sản xuất mỗi kg cá cần 1,6 - 1,85 kg thức ăn).

Tuy nhiên, nếu người nuôi cá thực hiện chế độ cho ăn gián đoạn theo chu kỳ một ngày ăn một ngày nghỉ thì hệ số thức ăn giảm chỉ còn 1,45 - 1,5 (giảm 0,1 - 0,4 kg thức ăn cho mỗi kg cá) trong khi cá vẫn tăng trưởng tốt. Với giá thức ăn cá tra bình quân hiện nay khoảng 12.500 đồng/kg thì giá thành nuôi cá tra giảm tới 1.250 – 5.000 đồng/kg.

Theo lý giải của ông Hải, trong một ngày thì cá không hấp thụ hết chất dinh dưỡng mà cá đã ăn vào, nên nếu tiếp tục cho cá ăn vào ngày hôm sau thì cá phải thải ra ngoài lượng thức ăn cũ trong ruột để hấp thu lượng thức ăn mới. Do đó, việc ngừng cho ăn vào ngày hôm sau sẽ giúp cá hấp thu triệt để dinh dưỡng của lượng thức ăn trong ruột.

Tại Vĩnh Long, hiện 50% diện tích nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh này đang áp dụng chế độ cho cá tra ăn gián đoạn theo chu kỳ 7 ngày cho ăn thì ngưng 2 ngày và cho thấy kết quả tốt. Bà Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Vĩnh Long cho biết, khi cho cá ăn liên tục thì hệ số thức ăn nuôi cá lên đến 1,63 cao hơn 0,19 so với cách nuôi cá bằng cách cho ăn gián đoạn. Cá nuôi gián đoạn đạt mức tăng trưởng 749gram/con và tăng trọng bình quân 3,68 gram/ngày trong 7 tháng nuôi, cao hơn nhiều so với phương pháp nuôi cho ăn liên tục.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sống của ao cá tra cho ăn gián đoạn đạt 74,23%, cao hơn 8% so với tỷ lệ ao cá tra cho ăn liên tục. Chi phí sử dụng thuốc và hóa chất ở ao nuôi cá tra theo phương pháp cho ăn mới chỉ tốn 887 đồng/kg, giảm 61 đồng/kg so với ao nuôi cho ăn liên tục (đến khi cá thu hoạch).

Ông Lê Thanh Dung, Chủ nhiệm HTX cá tra Hòa Hưng (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết, phương pháp nuôi cá tra bằng cách cho ăn gián đoạn cũng đã được nghe một số bà con nuôi cá tra các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long,… phổ biến qua các cuộc hội thảo nhưng đến nay khu vực này chưa có hộ nào áp dụng. “Trong thời gian tới, tôi sẽ bàn với các anh em trong HTX nuôi thử nghiệm một ao xem sao rồi phổ biến lại cho bà con nuôi cá khu vực này”, ông Dung khẳng định.

Cũng theo ông Dung, hiện nay tuy nghe thông tin cá tra trên thị trường có giá 22.000 đồng/kg nhưng thực tế người nuôi cá ở đây chỉ bán được 21.000 đồng/kg, như vậy người nuôi cá sẽ bị lỗ. Do đó, nếu phương pháp nuôi cá bằng cách cho ăn gián đoạn có hiệu quả thì bà con nuôi cá tra sẽ giảm bớt khó khăn.

THÀNH CÔNG báo Nhân Dân