TIN THỦY SẢN

Gìn giữ môi trường vùng nuôi tôm hùm lồng

Nuôi tôm hùm ở Vịnh Xuân Đài - Khánh Hòa. Ảnh: Thế Lập/ TTXVN B.L

Khánh Hòa là thủ phủ tôm hùm lồng của cả nước, tôm hùm cũng là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 23 tiểu vùng, tập trung tại 4 vùng nuôi chính là: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh, với tổng số lồng thả nuôi trong năm 2018 là 57.260 lồng, sản lượng đạt 779,3 tấn.

Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm lồng của tỉnh đang đứng trước nhiều thách thức, từ việc thiếu con giống, biến đổi khí hậu, đầu ra, dịch bệnh… cho đến ô nhiễm môi trường. Thực tế, trong năm 2018, nhiều vùng nuôi tôm hùm lồng tại Vạn Ninh, Cam Ranh đã thiệt hại nặng do ô nhiễm môi trường vùng nuôi, dịch bệnh lây lan gây ra.

Một vấn đề đáng lo nhất hiện nay là số lượng lồng nuôi tôm hùm ngày càng tăng với mật độ thả nuôi dày dẫn đến khả năng trao đổi nước kém, làm cho môi trường nuôi tiếp tục ô nhiễm hữu cơ, gây thiếu Oxy cục bộ, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm hùm nuôi. Theo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi tôm hùm lồng tại Khánh Hòa của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019, một số chỉ số môi trường tiếp tục biến động và thể hiện tình trạng ô nhiễm hữu cơ như: N-NH3, P-PO4, mật độ vi khuẩn Vibrio vượt giới hạn cho phép theo QCVN 10-MT:2015 BTNMT; bên cạnh đó còn phát hiện sự có mặt của loài tảo có khả năng gây hại cho tôm nuôi như Peridỉnỉum sp tại các vùng nuôi tôm hùm.

Để đảm bảo môi trường nuôi tốt nhất, thúc đẩy phát triển nuôi tôm hùm một cách bền vững, hiện ngành Thủy sản tỉnh tập trung hướng dẫn các địa phương nuôi tôm hùm theo đúng vùng quy hoạch; tổ chức quan trắc và giám sát môi trường vùng nuôi để đưa ra cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho người nuôi; chủ động thực hiện công tác phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiêm môi trường từ hoạt động nuôi; tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải tại các vùng nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn người nuôi các biện pháp quản lý môi trường vùng nuôi như: giãn thưa lồng nuôi, đưa lồng nuôi đến nơi có độ sâu, giảm mật độ tôm trong lồng, quản lý tốt thức ăn và khẩu phần ăn, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường, vệ sinh lưới lồng thường xuyên, giám sát môi trường nuôi hàng ngày để kịp thời phát hiện và xử lý các biến động môi trường, khi tôm nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết, người nuôi cần báo cáo cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương…; tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của cơ sở sản xuất thủy sản, người dân về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Từ thực tế nuôi tôm hùm lồng, ngư dân đúc kết, thành bại của nghề nuôi đến từ việc hạn chế dịch bệnh; muốn hạn chế dịch bệnh phải xuất phát từ việc gìn giữ môi trường vùng nuôi để tránh bị ô nhiễm. Để nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cao, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì ý thức, trách nhiệm của người nuôi rất quan trọng, trong đó trước hết phải là ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường nuôi chung để hạn chế dịch bệnh.


B.L Báo Khánh Hòa