TIN THỦY SẢN

Giới thiệu về nghề câu tay cá ngừ Phi-líp-pin

Ảnh minh họa Nguyễn Bá Thông

Câu tay cá ngừ là nghề đánh bắt hải sản truyền thống của Phi-líp-pin, được hình thành và phát triển từ năm 1969. Thành phố General Santos làtrung tâm của nghề câu tay cá ngừ và được mệnh danh là “thủ phủ cá ngừ” của Phi-líp-pin.

Câu tay được cho là ngư cụ khai thác tốt nhất đối với cá ngừ và cá cờ của ngư dân Phi-líp-pin, đồng thời, phương pháp khai thác này được xem là có tính lựa chọn, thân thiện với môi trường, chủ yếu khai thác cá ngừ vây vàng đã thành thục tuyến sinh dục, tránh đánh bắt cá non như đối với nghề lưới vây và nghề câu vàng.

Cách đây 20 năm, tàu thuyền sử dụng để câu cá ngừ có kích thước nhỏ, chỉ dài khoảng 12m. Ngày nay, tàu thuyền câu tay cá ngừ chủ yếu có chiều dài thân vỏ khoảng 24m, trọng tải 50 GT. Thông thường có một tàu mẹ và một số tàu con cùng tham gia khai thác cá ngừ, số lượng tàu con phụ thuộc vào tải trọng của tàu mẹ. Ví dụ, tàu mẹ phổ biến có chiều dài khoảng 17,8 m; rộng 3,8m và độ sâu mớn nước 1,62 m; có tải trọng khoảng 27,9 GT. Tàu con thường được làm bằng gỗ hoặc composit, được lắp máy diesel được chuyển đổi từ động cơ xe hơi, chiều rộng của tàu con chỉ khoảng trên dưới 3m, công suất máy khoảng 16 HP, không có chỗ đặt các thiết bị hiện đại, buồng lái hay phòng cho ngư dân. Dạng tàu nhỏ này có thể cho phép 26 ngư dân làm việc trên tàu.

Tàu thuyền có thể được sở hữu cá nhân hoặc bởi các công ty có quy mô khác nhau. Tàu con và tàu mẹ không nhất thiết phải cùng một chủ sở hữu mà có sự thỏa thuận, hợp tác trong hoạt động đánh bắt hải sản. Một số công ty vừa sở hữu tàu thuyền vừa chế biến hải sản, sửa chữa tàu thuyền… các công ty chế biến hải sản của Phi-líp-pin đang thúc đẩy ngư dân khai thác bền vững hơn, thực hành sau khai thác tốt hơn để tránh thất thoát giá trị sản phẩm khai thác, rút ngắn thời gian chuyến biển…

Từ năm 1969 đến những năm 1980, có khoảng 500 tàu câu tay hoạt động trực thuộc thành phố General Santos và số lượng tàu thuyền làm nghề này tăng mạnh lên đến đỉnh điểm là giữa những năm 1990, khoảng 2.500 chiếc và sau đó giảm nhanh vào những năm cuối của thập kỷ 90. Điều này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc cấm khai thác trong vùng nước của In-đô-nê-xi-a, quy định nghiêm ngặt hơn về khai thác hải sản trong nước, giảm sản lượng cá ngừ, tăng chi phí hoạt động và các thách thức kinh tế khác. Đến năm 2011, tại thành phố này chỉ còn khoảng 1.000 đến 1.200 phương tiện làm nghề câu tay cá ngừ và con số này vẫn đang bị suy giảm.

Ngư cụ sử dụng của nghề câu tay cá ngừ là dây và lưỡi câu, dây câu được làm bằng nylon có đường kính 1,5 đến 3,0 mm và có chiều dài từ 200 đến 300m để đảm bảo cho cá có thể di chuyển khi cắn câu. Lưỡi câu sử dụng là loại có hình chữ “J” và lưỡi câu vòng “G”, kích thước dao động từ cỡ số 5 đến số 8 nhằm chỉ khai thác cá ngừ vây vàng, một số tàu có sử dụng kích thước lưỡi câu nhỏ hơn, cỡ 13 đến 18 để khai thác cá nổi nhỏ làm thực phẩm trong chuyến biển. Mồi câu được sử dụng thường là thịt cá tươi, khi hết mồi cá tươi, mồi giả được sử dụng, chủ yếu làm từ sợi thủy tinh, bóng, giấy bóng kính và dùng nước mực của mực ống để hấp dẫn cá. Khi cá cắn câu, cá di chuyển trên sợi dây câu và đợi đến khi cá mệt, ngư dân sẽ thu dây câu từ từ và đưa cá lên thuyền đặt vào hộp chứa đầy đá. Khai thác cá ngừ bằng câu tay thường sử dụng chà để dẫn dụ cá. Tàu câu tay cá ngừ thường kết hợp với một số tàu làm nghề lưới vây để khai thác triệt để chà dụ cá. Thông thường, câu tay cá ngừ được thực hiện trên các tàu con, cách tàu mẹ khoảng 200 m, tàu mẹ có nhiệm vụ như một neo trôi để giữ tàu con khỏi dòng chảy, sóng gió lớn…

Câu tay cá ngừ được ngư dân thực hiện quanh năm, vào mùa vụ khai thác chính, thời gian mỗi chuyến biển chỉ khoảng 3 đến 10 ngày, với những chuyến biển dài, thời gian có thể lên đến vài tuần. Mỗi tàu câu taycá ngừ khai thác khoảng 7 – 8 chuyến biển/năm.Nghề câu tay cá ngừ của Phi-líp-pin có một số nét tập quán như không khai thác cá vào ngày Thứ sáu và không cho phép phụ nữ lên tàu. Chi phí cho hoạt động khai thác chủ yếu của nghề này là nhiên liệu (60%), khi giá nhiên liệu tăng, số lượng tàu thuyền khai thác có thể giảm 20%.  Do giảm sản lượng cá ngừ trong vùng đặc quyền kinh tế biển (EEZ) của Phi-líp-pin, tàu đánh bắt cá ngừ phải tìm ngư trường xa hơn, thời gian chuyến biển dài hơn, và điều này dẫn đến sự giảm sút chất lượng sản phẩm cá câu được, thường thì chuyến biển dài trên 2 tuần, cá khai thác được sẽ không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Mô hình Tổ đội đóng vai trò quan trọng đối với nghề câu tay cá ngừ ở thành phố General Santos, mỗi Tổ đội có khoảng 19 thành viên với 23 chủ quầy hàng cá ở bến cá. Tổng số có 5 Tổ đội ở thành phố này và có số lượng thành viên tương tự nhau, mỗi Tổ đội có khoảng 10 tàu cá. Tổ đội có vai trò hỗ trợ thảo luận với chính quyền và các lĩnh vực thủy sản khác, liên quan đến việc xây dựng và triển khai Luật câu tay cá năm 2007, tiềm năng tham gia khai thác ở các vùng ngư trường nước ngoài và phát triển nghề câu tay cá.   

 Cá ngừ câu tay của Phi-líp-pin thường được tiêu thụ ở 4 thị trường chính, với cá có chất lượng tốt được xuất khẩu sang USA, Nhật Bản để dùng làm Sashimi, khoảng 20 – 25% sản lượng cá ngừ được gửi đến các nhà máy chế biến và người xuất khẩu dưới dạng “loin”; sản phẩm giá trị gia tăng cá ngừ được sản xuất tại các nhà máy, xưởng chế biến hải sản và đồ hộp, một lượng sản phẩm cá ngừ nhất định được bán tại thị trường nội địa. Hầu hết các nhà máy chế biến cá ngừ ở General Santos xuất khẩu sản phẩm cá ngừ dưới dạng tươi, đông lạnh nguyên con hoặc chế biến theo yêu cầu của phía các nhà nhập khẩu. Cũng tương tự như các cảng cá khác, ở thành phố này chỉ có một hệ thống độc nhất về thương mại thủy sản dẫn đến thiếu vắng sự cạnh tranh về giá cả. Đây là một thách thức lớn nhất đối với ngư dân câu tay cá ngừ. Điều này được cho là do có sự hạn chế về số lượng nhà xuất khẩu cá ngừ trong nước dẫn đến thiếu vắng sự cạnh tranh về giá và thương mại cá ngừ. Hiện nay có 8 nhà xuất khẩu cá ngừ thuộc lĩnh vực câu tay cá ngừ nhằm nâng cao ảnh hưởng đối với giá bán cá trên thị trường thế giới.

Nguyễn Bá Thông Theo: ACIAR, 2011; aciar.gov.au/Tổng cục thủy sản, 27/02/2014