TIN THỦY SẢN

Gượng dậy từ vùng tâm bão

Anh Hà Ngọc Khoa nói chuyện ươm thêm nguồn giống với tâm nguyện muốn giúp bà con làng biển Vĩnh Lương tái thiết cuộc mưu sinh. Ảnh: Phương Oanh Phương Oang

Vượt trên những thiệt hại, mất mát do bão số 12 gây ra, những ngày này, người dân vùng tâm bão đi qua ở các làng biển của tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực gượng dậy, từng bước giúp nhau sửa lại phương tiện làm ăn để sớm ổn định cuộc sống.

Gạt nước mắt làm lại từ đầu

Ngồi trên bãi biển ngổn ngang xác những chiếc thuyền, bè tôm bị sóng đánh gãy vỡ, móp méo, tấp vào bờ, anh Trương Vinh, một ngư dân thôn Hà Già (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) đang dốc sức cào sạch những cặn dầu, vết rỉ sét bám trên thân chiếc máy thủy. Thi thoảng anh dừng tay, ngẩng đầu nhìn ra biển, đôi mắt đỏ hoe, không giấu được nổi buồn thấu ruột gan. Người đàn ông ở tuổi 40, được coi là trụ cột của gia đình đã nghẹn lời khi nói chuyện về những thiệt hại mà bão 12 gây ra với chính mình.

Chỉ tay về Hòn Lớn (khu vực xã đảo Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), anh Vinh cho biết, trước bão, khu bè của anh ở ngoài đó có 60 ô lồng, nuôi 3.000 con tôm sao, 8.000 con tôm xanh. Số tôm này gần Tết bán sẽ thu được khoảng 4 tỷ đồng. Dự tính sau khi trả nợ tiền con giống, thức ăn cho tôm và đầu tư lại một phần, anh dành tiền sửa lại căn nhà đang quá ọp ẹp. Thế nhưng, mọi thứ đã bị xóa sạch sau cơn bão 12. “Gió bão vừa giảm, 10 giờ sáng, tôi cùng mấy anh em theo ghe trở lại vùng nuôi, đã không còn biết đâu là tài sản của mình. Cả ngàn nhà bè nuôi thủy sản nằm san sát, dày kín một vùng biển, lúc này chỉ còn lại những tấm lưới rách tả tơi, dây neo, cây gỗ và những chiếc thùng nhựa trôi nổi bập bềnh” - Anh Vinh nhớ lại.

Sau khối tài sản lớn của mình đã bị bão nhấn chìm ngoài biển, anh Vinh phải đối mặt với số nợ gần 2 tỷ đồng của các chủ vựa thức ăn tôm. Song, cũng như nhiều người, hiện, anh không thể vay mượn được tiền để đóng lại bè, lồng, tiếp tục cuộc mưu sinh với nghề nuôi tôm hùm lồng. “Chiếc máy ghe này đã cất vào kho gần chục năm, giờ lôi ra sửa rồi gắn vào sõng để ra biển lặn bắt, kiếm cái ăn hằng ngày mà nuôi con” - Anh Vinh bộc bạch.

Cũng trong cảnh trắng tay sau bão, anh Đặng Hữu Hạnh, người làng biển thôn Hà Già, đang cùng những người anh em, hàng xóm của mình hì hục đóng lại những khung bè để tiếp tục đưa ra biển nuôi tôm, cá.

Trước bão, anh Hạnh có 100 ô bè nuôi tôm và cá bớp ngoài biển, định qua Tết này sẽ bán. “Tưởng kiếm chắc 7 tỷ trong tay, vậy mà giờ tan tành, không thu được một ngàn” - Anh Hạnh buồn bã nói. Để tạo dựng lại phương tiện làm ăn, anh Hạnh chạy vay mượn khắp anh em, bà con được 50 triệu để mua cây gỗ đóng lại bè.

Theo anh Hạnh, ngày trước, một cây gỗ để đóng bè giá chỉ 500 ngàn, nhưng từ sau bão đến nay, nhu cầu lớn, giá gỗ đã tăng đến 800 ngàn một cây. Số tiền này hiện cũng chỉ đóng được 10 ô bè, chưa tính khoản mua con giống, thức ăn cho cá, tôm. “Nghĩ, gần chục tỷ bị nhấn chìm dưới biển, giờ vay mượn làm từng ô lồng mà không khỏi nản lòng. Nhưng phải cố gắng từng bước để gầy dựng lại” - Anh Hạnh tâm sự.

Anh Toàn, một ngư dân trong nhóm làm bè cũng cho biết, mấy hôm nay, anh em trong làng biển Hà Già đều tập trung làm bè cho anh Hạnh, để anh sớm đưa bè, lồng ra biển. Hễ bè người này xong, tất cả lại tập trung làm cho người khác. Anh Toàn chia sẻ: “Trong lúc này, phải tương trợ nhau chứ để mỗi người tự xoay sở thì dễ nản lòng”.

Dọc theo bãi biển huyện Vạn Ninh, những làng chài vốn bình yên và được mệnh danh đẹp như tranh vẽ, sau bão số 12 đã trở nên hoang tàn, xác xơ. Nước mắt của hàng ngàn người dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản dọc các vùng biển này vẫn chưa ngừng rơi bởi thiệt hại, mất mát quá lớn.

Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, huyện Vạn Ninh nằm trong vùng tâm bão, phần lớn người dân địa phương sống bằng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nên bị thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Sau bão, toàn huyện có đến 19 người chết, một người mất tích. Hàng trăm hộ làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản từng có khối tài sản từ vài tỉ đến vài chục tỉ, giờ chỉ còn hai bàn trắng.

“Vượt qua mất mát, thiệt hại, bà con đang tìm cách tương thân, giúp nhau. Nhà nào còn tàu không bị hỏng hoặc sửa xong trước thì gọi bà con cùng đi biển. Nhà nào còn vốn hoặc vay góp được để làm lại lồng bè thì anh em trong làng cùng tập trung lại giúp để sớm đưa bè ra biển làm ăn. Nhà nào hư hỏng ít thì khắc phục nhanh để bà con hàng xóm đến trú tạm, rồi giúp nhau sửa chữa nhà hư hỏng nặng. Trong gian khổ thiên tai càng thấy rõ nghĩa cử “Lá lành đùm lá rách” của người dân dành cho nhau” -  Ông Phẩm nói.

Phương Oang Báo Biên Phòng