Hà Nội: Báo động 'đỏ' ô nhiễm ao hồ
Trong nuôi trồng thủy sản, môi trường là yếu tố quyết định thành công hay thất bại nhưng điều đáng buồn là chất lượng nước của hệ thống ao hồ ở Thủ đô đang có xu hướng ô nhiễm ngày một nặng.
Nhiều ao hồ biến thành tù đọng bởi không thể lấy được nước vào ra vì chính nước trong những kênh mương cũng đã không đảm bảo cho việc nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Nuôi thủy sản trên lồng bè
Điều kiện tự nhiên của Hà Nội rất thích hợp cho phát triển NTTS với 4.327ha hồ chứa mặt nước lớn và những con sông chạy qua như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi có thể phù hợp cho nuôi cá lồng bè.
Thủ đô sau khi mở rộng có tiềm năng mặt nước để NTTS là 30.840ha với 17.945 hộ nuôi, 23 HTX thủy sản, một số doanh nghiệp nuôi thủy sản và 17 cơ sở sản xuất giống thủy sản.
Năm 2016 diện tích đưa vào NTTS là 21.131ha; sản lượng đạt 110.000 tấn đủ cung cấp cho 40% nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong phát triển thủy sản như hạ tầng vùng nuôi tập trung chưa đồng bộ, hình thức nuôi vẫn chủ yếu là quảng canh cải tiến và bán thâm canh, chưa xây dựng được chuỗi sản phẩm và đặc biệt là môi trường nuôi đang đi xuống ngày một rõ.
Chất lượng nước tại một số vùng nuôi ô nhiễm, dễ xảy ra dịch bệnh cho động vật thủy sản. Nguồn nước để phục vụ thay định kỳ trong quá trình nuôi còn hạn chế vì vậy khó khăn trong việc nâng cao mật độ nuôi cũng như năng suất.
Vừa qua, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã thu 300 mẫu cá để phân tích chất lượng sản phẩm trong quá trình nuôi tại 10 vùng NTTS tập trung. Các chỉ tiêu phân tích gồm Chloramphenicol, Malachite Green, dẫn xuất của Nitrofuran, AMOZ, Dipterex, Quinolones, Hg, Pb. Kết quả phân tích, tất cả các mẫu phân tích tuy đều không phát hiện dư lượng kháng sinh và không phát hiện dư lượng hóa chất cấm Dipterex, Malachite green nhưng đều có dư lượng chì trong đó có 3 mẫu có chỉ số dư lượng vượt ngưỡng cho phép xuất hiện tại vùng nuôi xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên và xã Liên Châu, huyện Thanh Oai.
Đơn vị cũng đã thu 200 mẫu cá giống tại 10 cơ sở sản xuất giống và 1.800 mẫu cá thương phẩm tại 18 vùng nuôi tập trung để giám sát, cảnh báo bệnh. Các chỉ tiêu mẫu giám sát gồm bệnh do vi rút, bệnh do vi khuẩn Aeromonas, bệnh do vi khuẩn Pseudomonas, bệnh nấm nước ngọt, sán lá đơn chủ. Kết quả cho thấy không phát hiện các tác nhân gây bệnh trên tại các cơ sở sản xuất giống nhưng đối với mẫu cá thương phẩm có 306/1800 mẫu nhiễm vi khuẩn do Aeromonas (chiếm 17%); 283/1800 mẫu nhiễm vi khuẩn do Pseudomonas (chiếm15,7%); 279/1800 mẫu nhiễm vi khuẩn Streptococus (chiếm 15,5%); 223/1800 mẫu nhiễm nấm (chiếm 12,3%); 230/1800 mẫu nhiễm sán lá đơn chủ (chiếm 12,7%) và có 217/1800 mẫu nhiễm trùng mỏ neo (chiếm 15%).
Điều đó cho thấy, mặc dù không xảy ra dịch bệnh gây chết động vật thủy sản nhưng các tác nhân gây bệnh do vi khuẩn vẫn tồn tại trong ao nuôi là rất lớn. Nguy cơ xuất hiện các loại bệnh trên tất cả các đối tượng nuôi là rất cao, trong đó có bệnh mới xuất hiện trên cá rô phi do virus TiLV; bên cạnh đó là tác động bất lợi của yếu tố môi trường và thời tiết gây thiệt hại lớn về kinh tế của nhiều hộ nuôi.
Thu hoạch cá. Ảnh: NNVN
Dịch bệnh nguy cơ gia tăng nhưng vẫn không nguy hiểm bằng chất lượng môi trường nước đang mỗi ngày một đi xuống. Chi cục Thủy sản Hà Nội đã thu 112 mẫu nước (8 đợt) để kiểm soát và cảnh báo môi trường nước đối với 7 cơ sở sản xuất, ương nuôi giống với các chỉ tiêu kiểm tra về BOD, COD, H2S, NH3. Kết quả cho thấy ở tất cả các đợt lấy mẫu, số mẫu có chỉ số BOD vượt ngưỡng từ 14 - 70%, chỉ số COD, NH3 vượt ngưỡng xuất hiện ở 3 đợt lấy mẫu lần đầu, chỉ số H2S vượt ngưỡng xuất hiện tại 04/8 đợt thu mẫu.
Thu 640 mẫu nước tại 8 vùng NTTS, kết quả phân tích cho thấy 100% số mẫu có chỉ tiêu pH, H2S, NO2- nằm trong giới hạn cho phép; 30% số mẫu có chỉ tiêu NH3+ vượt giới hạn; 25% số mẫu có chỉ tiêu NO3- vượt giới hạn; 100% số mẫu có chỉ số BOD5 và COD vượt giới hạn cho phép, trong đó 20% số mẫu có giá trị hai chỉ số này rất cao. Điều đó cho thấy chất lượng nước các vùng nuôi bị ô nhiễm hữu cơ lớn khiến cho Chi cục phải gửi thông báo cảnh báo xuống xã để hướng dẫn người nuôi các biện pháp xử lý kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.
Dịch bệnh và đặc biệt là ô nhiễm nước không những có thể làm cho năng suất nuôi trồng giảm, mất an toàn thực phẩm mà có thể tàn phá cả hệ sinh thái ao hồ, sông ngòi về lâu về dài khiến cho không còn có thể nuôi thủy sản được nữa. Trước nguy cơ hiển hiện đó nhưng nhận thức của người nuôi về phòng chống ô nhiễm môi trường và dịch bệnh còn thấp, việc nạo vét bùn đáy ao và sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học... để xử lý môi trường chưa được áp dụng rộng rãi.
Thêm vào đó nhận thức của cán bộ địa phương vẫn còn kém. Bằng chứng là công tác quản lý kinh doanh thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học tại cấp huyện, xã chưa được quan tâm đúng mức nên còn xuất hiện cơ sở kinh doanh chưa đủ điều kiện, sản phẩm không có nhãn mác theo quy định lưu hành tại vùng nuôi. Việc triển khai xây dựng, cấp giấy chứng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật thủy sản theo Thông tư số 14 tại các địa phương còn chậm. Việc mở rộng cấp giấy chứng nhận trang trại, VietGAP còn ít, vì vậy lượng sản phẩm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm được cung cấp cho người tiêu dùng từ các cơ sở này là chưa nhiều.
Tình hình ô nhiễm môi trường nước trên toàn bộ hệ thống sông ngòi mỗi lúc một nặng. Ở nhiều vùng nuôi trồng thủy sản hiện nay người dân sợ hãi đến mức phải bịt tất cả các cống lấy nước vào ra để ngăn ô nhiễm. Bởi thế mà rất cần phải nghiên cứu những mô hình nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường hơn theo xu hướng sử dụng ít kháng sinh, hóa chất và tuần hoàn xử lý khép kín được lượng chất thải trong quá trình sản xuất.