Hà Tĩnh: Sông bị bồi lấp, người dân từ bỏ nuôi tôm
Sông Xích Mộ (xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị bồi lấp ảnh hưởng đến việc đi lại của tàu thuyền, nhiều hộ dân phải bỏ ao nuôi tôm vì nguồn nước không đạt tiêu chuẩn.
Tại khu vực cửa sông, cát biển đã được sóng dồn lên tạo thành một gò đất cao, bồi lấp dòng chảy. Khu vực cửa sông rộng hàng trăm mét nhưng người và xe máy có thể qua lại bình thường.
Từng nuôi gần 1ha tôm gần khu vực sông Xích Mộ nhưng nay cũng đành bỏ không, ông Nguyễn Đình Thoại - Bí thư kiêm Trưởng thôn Minh Đức (xã Kỳ Nam) cho biết: “Việc bồi lấp ở sông Xích Mộ ngày càng diễn ra phức tạp. Hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm bị ảnh hưởng nặng do cửa sông bị bồi lấp nên nước dẫn vào ao nuôi đều không đạt tiêu chuẩn; tôm thường xuyên nhiễm bệnh”.
Ông Nguyễn Đình Thoại chỉ về phía khu vực ao nuôi của gia đình đã bỏ không do nguồn nước không đạt tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Văn Luyện (thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam) cho biết: “Những năm gần đây, do ảnh hưởng của triều cường, thời tiết cực đoan, có đoạn sông bị bồi lắng cao lên tới cả gần 1m. Sinh sống gần cửa sông nên năm nào chúng tôi cũng bị hiện tượng ngập úng do triều cường dâng, lượng nước ứ đọng khó thoát ra ngoài.
Bên cạnh đó, các gia đình có tàu thuyền cũng không thể ra vào khu vực cửa sông... Chúng tôi rất mong chính quyền các cấp sớm có giải pháp nạo vét để xử lý dứt điểm tình trạng hiện nay”.
Chỉ có thể nạo vét, làm kè chắn mới giải quyết được vấn đề bồi lấp ở sông Xích Mộ
Sông Xích Mộ dài khoảng hơn 3km, chạy dọc theo 2 thôn Minh Đức và Tân Thành của xã Kỳ Nam. Theo đó, 313 hộ dân và gần 1.100 nhân khẩu của 2 thôn Minh Đức, Tân Thành bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc dòng sông bị bồi lấp, nhất là vào mùa mưa bão.
Đặc biệt, 18 ha diện tích nuôi tôm của xã Kỳ Nam bị ảnh hưởng nặng, trong đó 40% diện tích ao nuôi tôm đành bỏ không, số diện tích còn lại cũng sản xuất cầm chừng, không hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết: “Tình trạng này đang gây xáo trộn môi trường sinh thái và làm ảnh hưởng đến tàu thuyền đi lại, nuôi trồng thủy sản cũng như đời sống của Nhân dân trong vùng. Hiện, địa phương đã kiến nghị các ban, ngành sớm có giải pháp nạo vét, làm kè chắn tạo nguồn nước thủy triều lên xuống để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản cũng như neo đậu tàu thuyền của ngư dân”.