TIN THỦY SẢN

Hàng chục hộ nuôi thủy sản trước nguy cơ buộc rời khỏi TP.Cẩm Phả

Hàng chục hộ nuôi thủy sản trước nguy cơ buộc rời khỏi TP.Cẩm Phả Minh Sơn

Hàng chục hộ dân ngoại tỉnh đang làm ăn trên địa bàn TP.Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) đang hoang mang, lo lắng trước việc TP.Cẩm Phả triển khai việc di rời lồng bè, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản.

Dân ngoại tỉnh bất an

Phản ánh tới báo Người Đưa Tin, 23 hộ dân ngoại tỉnh thuộc khu vực đảo Ông Cụ, thuộc địa bàn phường Cẩm Đông, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cho hay: UBND TP.Cẩm Phả ra thông báo, đến ngày 30/4, nếu hộ dân nào không trình được hồ sơ giao thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản thì sẽ phải di rời ra khỏi địa bàn TP.Cẩm Phả.

Các hộ dân này đều không có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ninh. Họ từ các tỉnh, thành: Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An… đến khu vực kể trên nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm nay.

Ông Nguyễn Văn Thuấn (SN 1966, trú tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) cho biết: “Gia đình tôi ra đảo Ông Cụ từ năm 2008, thời kỳ này chưa phát triển việc nuôi cá lồng bè như bây giờ. Chúng tôi gần như là những người đầu tiên đặt chân đến.

Nhận thấy mặt nước biển xung quanh được các đảo bao bọc, mặt nước tĩnh, thuận tiện cho việc nuôi trông thủy sản nên chúng tôi đã tiến hành đầu tư cơ sở vật chất và con giống để làm ăn, phát triển kinh tế. Tính ra đến nay cũng đã được gần 10 năm.”

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Nhân (SN 1969, trú tại tỉnh Hải Dương) cũng cho hay, bắt đầu từ thời điểm 2008, những người dân ngoại tỉnh như ông bắt đầu kết nối và rủ nhau ra đảo Ông Cụ làm ăn, sinh sống. Lúc đầu chỉ lác đác vài hộ, về sau thì trở nên đông đúc. Cho đến thời điểm này, có 46 hộ gia đình nuôi trồng thủy sản, trong đó một nửa số hộ là người dân ngoại tỉnh.

Khi ông Nhân và những người dân ngoại tỉnh đến khu vực này sinh sống, mọi người đều ra công an phường để làm thủ tục khai báo, đăng ký tạm trú, tạm vắng. Ngoài ra, phía địa phương có thu thêm khoản phí vệ sinh, môi trường.

Theo các hộ dân trên đảo Ông Cụ, nguồn vốn họ bỏ ra đầu tư là rất lớn, nhiều gia đình đã phải vay mượn, cầm, cắm cả sổ đỏ đất đai để làm ăn. Tất cả vốn liếng đều đổ ra biển, hộ gia đình nào ít khoảng 2-3 tỷ đồng, hộ nào đầu tư lớn lên tới 5-10 tỷ đồng. Bây giờ, TP.Cẩm Phả buộc di rời khi chưa kịp hoàn thiện thủ tục khiến họ rất hoang mang, chưa biết sẽ phải đi đâu, về đâu khi cá chưa thể thu hoạch.

Các cấp chính quyền đùn đẩy trách nhiệm cho nhau

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Hoàng Hồng Quân – Trưởng phòng Kinh tế, UBND TP.Cẩm Phả cho biết: “Vấn đề quy hoạch vùng nuôi trông thủy sản trên địa bàn thành phố chúng tôi thực hiện theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh. TP.Cẩm Phả có chính sách ưu tiên cho người địa phương làm ăn phát triển kinh tế”.

Ông Quân nói thêm, TP.Cẩm Phả không xua đuổi hay ngăn cấm người dân ngoại tỉnh đến đây làm ăn, nuôi trồng thủy sản. Nhưng phải trình được hồ sơ giao, cho thuê mặt nước, việc này thì phải được UBND tỉnh Quảng Ninh và sở NN&PTNT phê duyệt, cấp phép.

Địa phương chỉ thực hiện làm hồ sơ cho người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ninh. Dĩ nhiên, hộ dân nào không trình được hồ sơ thì sẽ cương quyết di rời khỏi địa bàn TP.Cẩm Phả.

Chưa rõ sẽ phải đi đâu, về đâu, người dân ngoại tỉnh vẫn đang cố gắng bám trụ tại nơi nuôi trồng thủy sản.

Tại UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Khắc Hiếu – phó Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp nêu ý kiến: “UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra chủ trương quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản và các thành phố, thị xã, huyện thực hiện điều này căn cứ vào điều kiện thực tế các địa phương. UBND tỉnh chỉ có trách nhiệm làm hồ sơ giao thuê mặt nước đối với các tổ chức.

Còn đối với các hộ nuôi trồng thủy sản thì trách nhiệm phải làm hồ sơ thuộc về các địa phương, ở đây trực tiếp là UBND TP.Cẩm Phả. Sở NN&PTNN tỉnh chỉ đóng vai trờ là cơ quan tham mưu và làm công tác chuyên môn”.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng bày tỏ quan điểm, TP.Cẩm Phả thực hiện việc di rời các hộ dân đang nuôi trồng thủy sản là vội vàng. Bởi vì để thực hiện việc này phải có thời gian, ngắn nhất phải trong 12 tháng chứ không thể ngay lập tức di rời ngay được vì còn liên quan đến tài sản của dân.

“Việc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản chúng tôi đồng tình ủng hộ vì đó là chủ trương đúng. Tuy nhiên, thực hiện việc này phải có lộ trình và thời gian. Chúng tôi nuôi cá phải 3–4 năm mới thu hoạch được. bây giờ di rời cá chết thì ai là người chịu trách nhiệm về thiệt hại? Nguyện vọng của chúng tôi không có gì khác ngoài việc chính quyền tạo điều kiện, căn cứ vào tình hình thực tế, đưa ra quyết sách đúng, để đảm bảo cuộc sống người dân, để chúng tôi yên tâm làm ăn”, ông Phạm Văn Học (trú tại tỉnh Hải Dương) đang nuôi trồng thủy sản thuộc phường Cẩm Đông, TP.Cẩm Phả chia sẻ.

Minh Sơn NĐT