Hàng chục tấn ngao trôi dạt vào bờ biển: Mẹ thiên nhiên ban tặng
Theo ước tính, số ngao giấy trôi dạt vào bờ biển huyện Giao Thủy (Nam Định) có sản lượng khoảng 500-1.000 tấn. Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của mưa lớn do cơn bão Noru vừa qua.
Ngày 29-9, sau khi xảy ra hiện tượng trên, hàng trăm người dân thuộc xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã tấp nập kéo đến khu vực bãi bồi thuộc biển Cồn Lu để nhặt ngao đang nằm xếp lên nhau hoặc bị sóng đánh dạt hẳn lên bãi. Hiện tượng trên đã thu hút rất nhiều sự chú ý của bà con.
Theo ông Hưng- trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thủy (Nam Định), theo báo cáo từ khoảng 18h ngày 28-9, tại khu vực cuối bãi bồi Cồn Lu xuất hiện tình trạng ngao bị sóng đánh dạt vào bờ, số lượng nhiều bất thường, có đoạn cả bãi dài hàng chục mét kín trắng màu của vỏ ngao. Ông cho biết thêm những con ngao nhỏ bị sóng đánh dạt vào bờ đều đã bị chết, chỉ những con ngao to là còn sống do có thể chịu đựng được sức đập của sóng. Người dân đã tụ họp rất đông, tranh thủ ra nhặt những con ngao sống về ăn và bán
Theo ghi nhận, nhiều người dân đã bắt được rất nhiều ngao giấy, đựng bằng các thùng lớn, lưới và cả xô. Đa số mọi người đều vui mừng khi vớt được thứ của trời ban tặng này. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên có hiện tượng ngao dạt đặc kín bờ biển. Vào cuối năm 2021, sau đợt mưa lớn do ảnh hưởng từ cơn bão số 6, hàng trăm tấn ngao lớn cũng đã bị trôi dạt vào bờ biển tỉnh Nghệ An. Theo ghi nhận thì vào đợt đó, dọc bãi biển gần 10km ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An trôi dạt vào rất nhiều ngao , đặc kín cả bờ biển. Hàng trăm người dân đã mang đủ loại vợt, rổ, bao rắn tới nhặt ngao mang về bán thu tiền triệu.
Theo ghi nhận, giống ngao mà người dân nhặt được là giống ngao tím (hay còn gọi là ngao giấy) sống sâu dưới đáy biển, thân màu trắng tím, kích thước to so với các loại ngao khác, hình tam giác, thịt trắng đục có vị ngọt và có tính mát. Tuy nhiên, giá trị kinh tế của loài này khá thấp, giá dao động từ 15 – 20 nghìn đồng/kg, và theo đánh giá thì trong thịt của loài ngao này rất nhiều cát nên ít được ưa chuộng.