Hàng vạn con còng đá tím di cư trên bãi biển
Một hiện tượng lạ đã xuất hiện vào những ngày giữa tháng 11 tại khu vực cửa biển Chu Mới và Lạch Giang (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) khi hàng chục nghìn con còng đá biển màu tím rất lạ đi di cư và kiếm ăn.
Theo đó, các loài còng đá này đi thành từng đàn, kiếm ăn dưới nước biển, nước lợ và những vùng đá có bám rêu ẩm trên bãi biển. Tổ của loài này được tạo ngay trên bãi cát; khi gặp người lạ, chúng liền chui ngay xuống cát tạo thành hàng nghìn đụn cát li ti trên bãi biển.
Hàng chục nghìn con còng đá xuất hiện trên bãi biển Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
Vẻ ngoài của loài còng này khác với con còng "dã tràng xe cát” vốn có màu trắng. Loài còng đá này có thân màu tím nhạt, chân màu trắng, di chuyển chậm, mỗi con còng to bằng ngón chân cái.
Một cán bộ thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế qua xác minh hình ảnh ban đầu nhận định đây là loài còng đá sống ở vùng nước lợ mặn, thuộc họ Decapoda kém tiến hóa, bộ giáp xác 10 chân.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, sự xuất hiện với mức độ dày đặc của loài còng này ở vùng biển Thừa Thiên Huế là điều hiếm thấy.
Một số người dân địa phương ở xã Lộc Vĩnh cho biết, thỉnh thoảng họ vẫn gặp loài còng này nhưng chỉ vài con nhỏ lẻ chứ không đến mức dày đặc như những ngày qua. Theo người dân, có thể do biến đổi khí hậu kèm theo dòng chảy ở khu vực cửa biển Chu Mới thay đổi loài còng đá tím mới di cư nhiều đến vậy.
Những đụn cát nhỏ li ti - nơi trú ẩn của loài còng - trên bãi biển.