TIN THỦY SẢN

Hành trình ngàn dặm của một sinh vật “trong suốt”

Sứa buồm Velella Nguyệt Hoa

Vào một số thời điểm đặc biệt trong năm, người ta lại thấy hàng đàn sinh vật có ngoại hình kỳ lạ dạt vào bờ biển. Những cá thể này sở hữu sắc xanh nước biển nhạt, một số khác thậm chí còn không có màu. Người ta gọi sinh vật thú vị này là sứa buồm.

Loài sứa trong suốt như thủy tinh 

Sứa buồm Velella thuộc chi Hydrozoa nổi tự do ở vùng biển mở và lớp Sứa có buồng khí để nổi trên mặt nước. Loài sứa này có chiều dài trung bình khoảng 10cm và sở hữu màu sắc “tone sur tone” với màu của đại dương.  

Thông thường, sứa buồm có màu xanh nhạt hay cũng có trường hợp người ta bắt gặp những con sứa buồm có màu trong suốt. Nhờ thế nên loài sứa này rất dễ dàng lẫn vào nước biển và hạn chế được một số mối đe dọa xung quanh chúng. 

Thức ăn yêu thích của sứa buồm Velella tương đối đa dạng, thường là sinh vật phù du và các loại trứng cá. 

Thoạt nhìn, sứa buồm Velella dường như trông rất vô hại. Thậm chí, sự trong suốt của chúng còn khiến chúng ta liên tưởng rằng sứa buồm rất mong manh dễ vỡ.  

Tuy nhiên, dù rất khó tin nhưng loài sứa này lại là một loài động vật ăn thịt. Hơn thế nữa, hành vi săn mồi của sinh vật này cũng được nhận xét là không hề nhân văn tí nào. 

Cụ thể, khi con mồi rơi vào tầm ngắm, sứa buồm sẽ tấn công chúng bằng các xúc tu có chứa tế bào tiêm chất độc cnidocytes, hay còn được gọi là nematocysts. Sau khi chất độc này được chích vào con mồi sẽ khiến chúng bị tê liệt. Sứa buồm lúc này chờ thức ăn của mình mất hoàn toàn khả năng chống cự và chỉ còn biết đứng im chờ chúng đến tiêu hóa.  

Nhờ màu sắc đặc biệt nên sứa buồm tránh được nhiều kẻ săn mồi

Theo các nhà khoa học, dù nhìn giống sứa, sứa buồm Velella không có tua độc. Song, các xúc tu của chúng lại có chứa độc nhưng may mắn là chất độc này không gây nguy hiểm cho con người. 

Chuyến chu du của sứa buồm Velella 

Sứa buồm Velella có một đời sống hết sức thú vị bởi chúng dành hầu hết thời gian trong đời để trôi nổi trên bề mặt đại dương.  

Nhờ chiếc vây trong suốt trên thân, sứa buồm được ví như những thủy thủ chuyên nghiệp bởi khả năng nương vào gió và nổi tự do trên mặt biển. Tuy nhiên, “cánh buồm” này đôi lúc lại bị chệch quỹ đạo khi gió thay đổi hướng và khi đó, những con sứa buồm Velella sẽ bị trôi dạt vào bờ. 

Ngoài nguyên nhân này, nhà khí tượng học Allison Chinchar còn đưa ra một số cách giải thích khác. Trong đó, cảnh tượng lạ lùng này có thể là hệ quả của việc nhiệt độ nước tăng lên; nguồn thức ăn dồi dào và sự thiếu vắng động vật săn mồi.  

Bên cạnh đó, điều kiện gió và sóng biển cũng có thể gây tác động ít nhiều đến sự xuất hiện hàng loạt của sứa buồm tại nhiều bãi biển trên thế giới.  

Sứa buồm dạt vào bờ khi hướng gió thay đổi 

Chuyến phiêu lưu của sứa biển sẽ rất hay ho nếu chúng không hiện diện ở số lượng khủng như thế bởi chúng thường di chuyển theo đàn gồm hàng triệu cá thể.  

Do đó, trước khi khô lại và trở thành thức ăn của chim thì sứa buồm chính là nỗi sợ hãi to lớn đối với người dân địa phương lẫn khách du lịch vì chúng thường bốc mùi khá khó chịu. Tệ hơn là xác của chúng có thể chất dày lên tới 15 cm. 

Về hiện tượng sứa buồm Velella trôi dạt vào bờ, có không ít người tin rằng đó là một điềm báo từ đại dương nhằm nhắc nhở con người có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường biển. 

Đến nay, người ta vẫn chưa ghi nhận trường hợp dị ứng nặng hay tử vong ở người nào do chất độc của sứa buồm Velella, chúng ta vẫn được khuyến cáo là không nên chạm vào chúng.  

Bởi dù vết cắn của chúng không gây đau, nhưng nếu đã tiếp xúc trực tiếp với sứa buồm Velella mà không rửa tay với xà phòng và nhỡ dụi tay vào mắt hay những bộ phận nhạy cảm, rất có thể chúng ta sẽ bị dị ứng dẫn đến cảm giác ngứa ngáy và khó chịu. 

Nguyệt Hoa