TIN THỦY SẢN

Loài cá bé nhỏ tạo ra âm thanh cực lớn

Danionella cerebrum là sinh vật bé nhỏ tạo ra âm thanh cực lớn. Ảnh: agrilifetoday.tamu.edu Nguyệt Hoa

Không sở hữu một thân hình đồ sộ, nhưng loài Danionella cerebrum bé nhỏ đang trở thành một đối tượng khoa học được kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả khả quan trong những nghiên cứu về sự phát triển và hành vi phức tạp ở thần kinh nhờ vào khả năng tạo ra âm thanh cực lớn.

Sinh vật biển bé nhỏ mang khả năng kỳ diệu 

Tính đến nay, Danionella cerebrum có nguồn gốc từ Myanmar và đông bắc Ấn Độ là loài cá thứ năm trong chi này được phát hiện và đặt tên để phân loại. 

Tên gọi của của loài cá này được đặt dựa vào đặc điểm cấu tạo bộ não để lộ ra ngoài của chúng. Ngoài ra, dựa trên hành vi tạo ra âm thanh của chúng, những nghiên cứu về cách thức hoạt động và chức năng não cũng đang được tiến hành nhằm phục vụ cho ngành khoa học thần kinh ở động vật có xương sống trưởng thành. 

Trước đó, Danionella cerebrumDanionella translucida rất thường bị nhầm lẫn do hai loài này có ngoại hình gần như giống hệt nhau ngay cả khi được quan sát dưới kính hiển vi. Thực tế, theo nhà khoa học Kevin Conway thì chúng chỉ là họ hàng xa trong chi và đã có những khác biệt lớn về di truyền. 

Danionella cerebrum là loài cá có kích thước rất bé nhỏ với chiều dài cơ thể không quá 12mm, tức chỉ dài hơn móng tay một chút. Tuy nhiên, chúng lại có một khả năng rất khó tin đó là tạo ra âm thanh lên tới hơn 140dB (theo IFL Science đưa tin ngày 28/2 vừa qua). 

Theo logic thông thường, những sinh vật lớn có xu hướng tạo ra âm thanh lớn và ngược lại. Chẳng hạn như trường hợp của voi, một con voi trưởng thành có thể tạo ra âm thanh lên tới 125dB bằng vòi. Vì vậy, khả năng đặc biệt này của Danionella cerebrum thu hút rất nhiều người quan tâm bởi trong thực tế, với âm thanh có độ lớn 150 decibel đã có thể đủ mạnh để làm thủng màng nhĩ. 

Xu hướng tạo ra âm thanh ở Danionella cerebrum để giao tiếp với nhau. Ảnh: texasstandard.org

Cách tạo ra âm thanh của Danionella cerebrum 

Trong môi trường tự nhiên, Danionella cerebrum sống ở những vùng nước nông tại Myanmar; do đó, khu vực này thường mờ đục nên rất khó nhìn thấy những con cá khác xung quanh. Theo nhóm nghiên cứu thì bắt nguồn từ thực tiễn này nên chúng mới có xu hướng tạo ra âm thanh để giao tiếp với nhau. 

Dù nguyên nhân tạo ra âm thanh lớn của Danionella cerebrum là để giao tiếp nhưng cách thức tạo ra âm thanh của chúng vẫn là một dấu chấm hỏi lớn. 

Để giải quyết thắc mắc này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng video tốc độ cao kết hợp với biểu hiện gene và phát hiện âm thanh được tạo ra từ sự rung động của bong bóng cá, trong đó các cơ co lại khiến các cấu trúc va vào bong bóng. Ở đó, âm thanh sinh ra từ các con Danionella cerebrum đực nhờ vào hệ thống đặc biệt bao gồm xương sườn, sụn “đánh trống” và cơ bắp có sức chịu mỏi tốt. 

Cụ thể, quá trình tạo âm thanh ở loài cá này được thực hiện như sau: Dựa vào hai cơ âm thanh chứa sụn đánh trống; chúng tận dụng từng đợt co cơ lặp đi lặp lại ở một bên thân làm dịch chuyển xương sườn; khi đó, sụn sẽ bị kéo lại vào tạo ra sức căng; lúc thả ra, sụn sẽ đập vào bong bóng tạo tiếng động lớn và đây chính là âm thanh được ghi nhận với độ lớn hơn 140dB. 

Trong tự nhiên, dù rất hiếm hoi nhưng cũng có một số sinh vật biển có khả năng tạo ra âm thanh lớn hơn rất nhiều so với kích thước của chúng như: Tôm gõ mõ chỉ dài 2,5-5cm nhưng tạo ra âm thanh lên đến 250dB hay cá ruồi đực dài khoảng 25cm cũng có khả năng phát ra tiếng động gần 130dB. 

Song, chưa có sinh vật biển nào có kích thước khiêm tốn lại có cơ chế tạo ra âm thanh tương tự loài Danionella cerebrum. Chính khả năng phi thường đến khó tin của một sinh vật nhỏ bé đã khiến chúng trở nên đặc biệt. 

Nguyệt Hoa