TIN THỦY SẢN

Hậu cần nghề cá ở Quảng Ngãi vừa thiếu lại vừa yếu

Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ nằm sát cảng Sa Kỳ (Ảnh: Thanh Niên) Tiến Công

Tàu công suất lớn ngày càng nhiều nhưng các bãi neo, đậu tàu cá ở Quảng Ngãi thì lạc hậu, xuống cấp, gây trở ngại cho các tàu cá.

Phát triển tàu đánh bắt xa bờ, công suất lớn là chủ trương mang tính chiến lược của Chính phủ, tạo cơ hội cho ngư dân vươn khơi, nâng cao thu nhập. Nghịch lý ở chỗ, tàu công suất lớn ngày càng nhiều nhưng các bãi neo, đậu tàu cá thì lạc hậu, xuống cấp, gây trở ngại cho các phương tiện tàu cá ra vào đánh bắt và bán sản phẩm.

Thực trạng này kéo dài từ nhiều năm nay ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa khắc phục được.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 5 cảng cá gồm Tịnh Hòa, Lý Sơn , Mỹ Á, Sa Kỳ và Sa Huỳnh. Những cảng cá này xây dựng đã lâu, hầu hết đều xuống cấp, chỉ đáp ứng được việc neo đậu cho các phương tiện tàu cá công suất nhỏ. Các dịch vụ hậu cần nghề cá ở Quảng Ngãi vừa thiếu lại vừa yếu nên 60% tàu cá khai thác xa bờ của ngư dân tỉnh này chỉ cập cảng ở các tỉnh bạn bán sản phẩm.

Ông Ngô Văn Hưng - Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, nêu thực trạng: Đội tàu khai thác thủy sản của Quảng Ngãi với tàu trên 400 CV là trên 2300 chiếc nhưng các cảng cá Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy thì cạn nên tàu không vào được..., do đó không đáp ứng được nhu cầu, khả năng tiêu thụ sản phẩm của bà con ngư dân.

Luồng lạch bị bồi lấp, dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ thiếu thốn, không đáp ứng được nhu cầu bán sản phẩm cũng như mua sắm nhiên liệu, ngư cụ cho mỗi chuyến ra khơi đang là thực trạng buồn ở các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi. Địa phương này có hơn 5.500 tàu đánh cá, trong đó hơn một nửa là tàu đánh bắt xa bờ nhưng số tàu cập vào các cảng cá ở Quảng Ngãi bán sản phẩm không đáng kể.

Sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh trong 9 tháng qua đạt hơn 140.000 tấn nhưng sản phẩm cập cảng, bán ở Quảng Ngãi chưa tới 12 ngàn tấn, tức không đến 10% sản lượng khai thác. Hầu như các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi đều cập bến ở Đà Nẵng và những cảng cá ngoài tỉnh để bán thủy sản hay mua sắm nguyên liệu phục vụ cho phiên biển mới.

Ngư dân Phạm Anh Tín ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi phàn nàn: Ở Quảng Ngãi còn thiếu thốn nhiều, thua Đà Nẵng quá xa. Ở Đà Nẵng, dịch vụ cái gì cũng có hết, còn Quảng Ngãi thì luồng lạch, dịch vụ hậu cần cái gì cũng thiếu. Vì thế, tàu đi Đà Nẵng rất nhiều.

Tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương được Chính phủ xác định ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá từ nguồn đầu tư theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Với tốc độ phát triển phương tiện tàu thuyền khai thác thủy sản khá nhanh như hiện nay thì cơ sở phục vụ hạ tầng nghề cá của tỉnh Quảng Ngãi đang trở thành rào cản trong quá trình phát triển kinh tế biển.

Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tháo gỡ vướng mắc này, tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ hậu cần nghề cá theo hình thức xã hội hóa. Nhà nước chỉ đầu tư những hạng mục, những dự án mà doanh nghiệp không đầu tư vì không có hiệu quả kinh tế.

Tiến Công VOV