Hé lộ nguyên nhân dẫn đến việc ngư dân bị bắn, truy sát trên biển
"Mỗi tay lưới của ngư dân Hà Tĩnh vừa mua cứ thả xuống biển là y rằng bị các thuyền giã cào của Nghệ An, Thanh Hoá kéo mất hoặc làm hư hỏng". Đó là những câu chuyện bức xúc của các ngư dân Hà Tĩnh khi nói về nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong vụ việc trên biến vừa qua.
"Nỗi uất ức mà từ trước tới nay, họ không biết nói cùng ai"
Vụ truy sát kinh hoàng trên biển thuộc địa phận Hà Tĩnh đang là tâm điểm của dư luận mấy ngày qua. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến vụ truy sát trên, và việc người nơi đây đang bức xúc về việc tàu cá các tỉnh khác xâm phạm ngư trường như thế nào. Phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc tìm hiểu về vấn đề này.
Tình trạng các tàu cá tỉnh bạn xâm phạm ngư trường này đã khá lâu, vấn đề này cũng được người dân ở đây báo lên các cấp chính quyền địa phương. Người dân thuộc 3 huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, đang rất bức xúc. Để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này chúng tôi về tận thôn Bắc Lạc và Thôn Đại Tiến thuộc 2 xã Thạch Lạc và Thạch Trị ( huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Biết chúng tôi về tìm hiểu việc xâm phạm ngư trường, người dân ở đây kéo ra rất đông.
Anh Trần Văn Lành ( SN 1967) một ngư dân vừa bị tàu giã cào kéo mất lưới nói: “Gia đình tôi phải bán cả con bò, vay mượn khắp nơi mới mua được vằng lưới, nhưng mới đánh được mấy ngày đã bị tàu giã cào kéo mất. Từ trước tới giờ gia đình tôi cũng mất lưới nhiều lần. nhưng lần này là nặng nhất, còn lại một số ngư cụ khác thì không dám thả xuống biển nữa, bời vì thả xuống thì sẽ bị kéo mất”.
Anh Nguyễn Văn Phong (SN 1970) làng Bắc Lạc xã Thạch Lạc cho biết: “Nhà tôi gom góp để mua được một số lưới dùng đánh bắt cá và mực, cả gia sản nhờ vào đó, miếng cơm tiền cho con cái ăn học cũng trông cậy vào đó. Nhưng giờ thì tiêu tan hết rồi, giờ muốn mua lại số lưới cũng phải mất hàng chục triệu đồng chứ phải ít đâu, kiếm tiền đâu ra mua giờ”.
Việc ngư dân Hà Tĩnh tỏ ra bức xúc với những chiếc thuyền đánh giã cào là không thể tránh khỏi khi hàng ngày ngư cụ họ vừa mua đã bị kéo mất hoăc phá nát bởi những đội đánh giã cào
Cuộc sống người dân nơi vũng bãi ngang này rất khó khăn, để sắm được ngư cụ lưới ra khơi, họ phải bán cả con trâu, còn bò cái gọi là đầu cơ nghiệp để có dụng cụ đánh cá, mong được đổi đời. Nhưng tiếc rằng việc làm của những tàu cá tỉnh bạn đã làm cho hoàn cảnh họ nghèo thêm.
Theo số liệu thống kê của UBND xã Thạch Lạc thì năm 2012 đến hiện tại đã có 45 hộ dân bị mất lưới và ngư cụ đánh bắt, tổng thiệt hại khoảng 530 triệu đồng, một vài hộ đã phải bỏ nghề đi biển chuyển nghề khác để kiếm sống.
Biết chúng tôi là nhà báo về tìm hiều vấn đề ngư trường, người dân nơi đây kéo đến rất đông, không chỉ những người đàn ông thường xuyên bám biển, cả vợ, con của họ cùng kéo đến để giãi bày lên những nỗi uất ức, mà từ trước tới nay, họ không biết nói cùng ai.
"Việc xâm phạm ngư trường là sai, nhưng họ vẫn cứ cố tình vi phạm"
Một số người dân cho biết, tàu giã cào của các tỉnh khác rất manh động, khi kéo phải lưới ngư dân ở đây được ngư dân xin trả lại thì họ lại xô đuổi, mạt sát. Một người dân cho biết: “Có hôm tàu giã cào kéo phải lưới của tôi, tôi chạy thuyền xin và bảo tàu này không đánh cá đây nữa, nhưng họ bảo có cá thì cào, họ còn bảo lực lượng biên phòng cũng không sợ”. Được biết vào mùa này một số loài cá và mực thường trú ngụ gần bờ với số lượng lớn nên tàu giã cào đổ về đây số lượng rất lớn, có đêm có đến cả trăm chiếc.
Bảng thống kê số hộ mất lưới và ngư cụ Thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh
Chúng tôi đã tìm về Đồn biên phòng Cửa Sót để tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này. Ông Hoàng Mạnh Hảo, Đồn trưởng đồn biên phòng Cửa Sót cho biết: “Do đang vào mùa nên số lượng cá ở gần bờ là rất lớn, nên tàu các tỉnh bạn biết việc xâm phạm ngư trường là sai, nhưng họ vẫn cứ cố tình vi phạm.
Lực lượng bộ đội biên phòng không thể dàn đều hết được bờ biển, việc truy bắt các tàu đánh cá gặp nhiều khó khăn, khi tàu chuyên dụng chỉ có một chiếc. Nhưng hiện tại thì Đồn đang có kế hoạch cùng với lực lượng địa phương sẽ truy bắt những tàu đánh cá sai ngư trường này”.
Số lượng tàu trên 90CV trở lên của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quãng Ngãi... đang hoạt động gần bờ biển của tỉnh Hà Tĩnh là rất đông. Lượng tàu này vẫn biết đánh bắt cá ở vùng biển này là sai ngư trường, nhưng số lượng cá lớn, dễ đánh bắt nên họ đành bất chấp hành nghề tại đây. Họ không ngần ngại chống đối lại lực lượng chức năng xô đuổi.