Hiện tượng nước biển ngày càng ấm tác động lên cá vược như thế nào?
Hiện tượng nhiệt độ nước biển tăng cao do biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng thường xuyên và gay gắt. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến ngành nuôi trồng thuỷ sản (NTTS)
Đó là kết luận của một nghiên cứu về những tác động bởi nhiệt độ biến thiên cực đoan đến các phản ứng sinh lý, sự phát triển và sinh sản ở cá nuôi do tổ chức Nuôi trồng Thủy sản Thực nghiệm WG thực hiện.
Trưởng nhóm Andreas Kunzmann nhấn mạnh, tình trạng biến đổi khí hậu đang có những biểu hiện ngày càng rõ rệt tại châu Âu, nhất là Nam Âu. Vì thế, ông cùng các cộng sự rất muốn biết cá nuôi - vốn không thể tự do di chuyển xa hơn về phương Bắc như những đồng loại hoang dã của chúng – sẽ phản ứng thế nào trong môi trường nhiệt độ cao [hơn], và điều này ảnh hưởng thế nào về mặt tài chính đối với người nuôi.
Đối tượng được chọn khảo sát ở đây là loài cá vược Địa Trung Hải. Trong môi trường phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu chúng tiếp xúc với các điều kiện nhiệt độ (được điều chỉnh giảm, tăng chậm, tăng nhanh) và độ mặn khác nhau, để từ đó xác định mức độ sinh trưởng, tình trạng sức khỏe cùng toàn bộ các thông số sinh lý như thành phần máu, enzym, biểu hiện gen,… và so sánh với nhóm đối chứng.
Cá tự nhiên có thể di chuyển tới những vùng nước lạnh hơn, nhưng cá nuôi thì không thể.
Nhóm kết luận cá vược là loài tương đối dễ thích nghi. Mặc dù có rất ít phản ứng tức thì ở cấp độ cơ thể nhưng tác động của sự thay đổi nhiệt độ & độ mặn có thể được nhìn nhận khá rõ ràng ở cấp độ cơ quan (nội tạng) và tế bào. Về lâu dài, điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá thức ăn, tình trạng sinh trưởng, sức khoẻ và sinh sản của cá.
Do đó, người nuôi cần đánh giá lại xem phương thức [nuôi] đang được áp dụng có khả năng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu hay không. Một khuyến nghị nữa là cần tăng cường tìm kiếm và lựa chọn những địa điểm nuôi mới phù hợp. Ngoài ra, các vi khuẩn có lợi (probiotic) cũng có thể được cân nhắc bổ sung thêm vào thành phần thức ăn để giúp giảm thiểu tác động [đối với cá] trong thời gian ngắn.
Kunzmann dự báo quần thể cá vược hoang dã rất có thể sẽ rời bỏ khu vực cư trú truyền thống và di chuyển xa hơn về phương Bắc nếu nhiệt độ nước biển vẫn tiếp tục tăng. Người nuôi vì thế có lẽ cũng phải di dời cơ sở sản xuất theo chúng. Những hệ nuôi trên đất liền (land-based) có ưu điểm lớn là cho phép người nuôi điều chỉnh và kiểm soát tốt hầu hết mọi thông số môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, độ mặn,… nhưng lại khiến chi phí đội lên rất nhiều. Vì thế, các giải pháp dinh dưỡng nhằm giúp cá nuôi tăng cường khả năng thích nghi nên được xem là hướng tiếp cận tiềm năng và đẩy mạnh phát triển.