TIN THỦY SẢN

Hiệu quả nhà phơi sấy nông thủy sản bằng năng lượng mặt trời

Phơi khô cá lóc và cá sặc rằn trong nhà sấy Hạnh Châu

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh An Giang vừa thực hiện thành công mô hình nhà sấy bằng năng lượng mặt trời, nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch bảo quản nông sản, thực phẩm và thủy sản, ứng dụng năng lượng mặt trời vào xây dựng nhà sấy và sấy thử nghiệm một số loại nông sản đặc sản của tỉnh.

Mục tiêu xây dựng mô hình nhà sấy bằng năng lượng mặt trời tại Trại thực nghiệm khoa học và công nghệ và thử nghiệm sấy các sản phẩm: ớt, khô cá sặc, khô cá lóc. Xây dựng mô hình nhà sấy bánh phồng bằng năng lượng mặt trời tại thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân). Hoàn thiện quy trình thu bào tử và thương mại hóa sản phẩm bào tử nấm linh chi. Kết quả đã lắp đặt được 2 mô hình nhà phơi sấy năng lượng mặt trời (48m2/mô hình) tại huyện Châu Thành và Phú Tân. Mô hình được thiết kế nền bê-tông dài 9m, rộng 7m; khung nhà bằng thép mạ kẽm có cấu trúc dạng vòm (parabol) dài 8m, rộng 6m và cao 3,5m; nhà được che phủ bằng vật liệu Polycarbonate (PC).

Quá trình thử nghiệm phơi một số loại nông sản nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến trong nhà sấy cho thấy: đối với ớt khi phơi trong nhà sấy sẽ giảm được 50% thời gian phơi so với phương pháp phơi truyền thống, sản phẩm ớt sấy giữ được màu sắc đỏ tươi, mùi thơm nhẹ đặc trưng của sản phẩm. Độ ẩm khoảng 7% sau thời gian 3 ngày phơi trong nhà sấy năng lượng mặt trời. Đặc biệt, sản phẩm không có aflatoxin (độc tố gây ung thư gan). Đối với thủy sản (khô cá sặc rằn, cá lóc) khi phơi trong nhà sấy sản phẩm đảm bảo được vấn đề vệ sinh và rút ngắn thời gian phơi từ 30-32% so với phơi truyền thống.

Nhà phơi sấy năng lượng mặt trời có thể được ứng dụng để phơi bánh phồng. Kết quả thử nghiệm tại huyện Phú Tân cho thấy, với nhà phơi sấy 48m2 có thể bố trí phơi 1.056 cái bánh phồng (tương đương 17,6kg nếp nguyên liệu). Kết quả khảo sát cho thấy, thời gian sấy bánh phồng bên trong nhà sấy giảm từ 34,28% so với phương pháp phơi truyền thống. Sản phẩm sau sấy khô đều hơn so với phương pháp phơi bên ngoài, đảm bảo độ trương nở khi nướng và giải quyết được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ThS Trần Phú Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh, ưu điểm của mô hình nhà phơi sấy là có thể sấy được hầu hết các loại nông, thủy hải sản như: ớt, nấm linh chi, các sản phẩm thủy sản, bánh phồng... Quá trình sấy giúp giảm phát thải khí CO2, tiết kiệm ít nhất 50% năng lượng và rút ngắn 30-50% thời gian sấy. Bên cạnh đó, mô hình được sử dụng đơn giản, không tốn thêm bất kỳ chi phí vận hành nào khác. Đặc biệt, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và người dân có thể chủ động được thời gian bảo quản nông sản của mình.

Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh, việc nghiên cứu lựa chọn hoàn thiện quy trình kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch bảo quản nông sản, thực phẩm và thủy sản được thực hiện đã đánh giá được hiệu quả thử nghiệm quá trình phơi sấy một số loại nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến như: ớt, khô cá sặc rằn, khô cá lóc, bánh phồng bằng mô hình nhà phơi sấy năng lượng mặt trời. Từ kết quả trên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ kiến nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình nhà phơi sấy cho từng loại sản phẩm khác nhau; nghiên cứu giải pháp bổ sung nhiệt để có thể phơi sấy được vào thời điểm mưa kéo dài.

Trong quá trình bảo quản cất giữ và sơ chế, nông sản luôn chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường mà biến đổi chất lượng, gây nên những tổn thất đáng tiếc, ảnh hưởng không ít đến thu nhập của người sản xuất. Việc đảm bảo và nâng cao chất lượng nông sản có ý nghĩa rất lớn. Việc nghiên cứu tìm các quy trình bảo quản phù hợp với một số loại nông sản là rất cần thiết. Và, việc đảm bảo những loại nông sản phẩm chất tốt sẽ cung cấp cho công nghiệp chế biến nguyên liệu tốt để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân.

Hạnh Châu Báo An Giang