TIN THỦY SẢN

Hiệu quả từ nuôi sò

Gia đình ông Đào Minh Tiến thả nuôi các loại sò

Những năm gần đây, nhiều hộ ở phường Cam Phúc Bắc (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi thủy sản từ cá, tôm sang các loại sò: mồng, dương, mía, tu hài… Bước đầu, các vật nuôi này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ nuôi.

Thu nhập khá

Gia đình ông Đào Minh Tiến (phường Cam Phúc Bắc) được xem là hộ đầu tiên chuyển đổi từ nuôi cá lồng sang nuôi các loại sò. “Trong quá trình nuôi, tôi thấy các loại sò ở đây sinh trưởng rất tốt. Do đó, năm 2012, tôi quyết định chuyển sang nuôi một số loại sò như: mồng, dương, mía, tu hài. Đợt nuôi đầu tiên tôi thả khoảng 5.000 con giống, với tổng chi phí đầu tư khoảng 40 triệu đồng. Sau 10 tháng thả nuôi cho thu hoạch lời hơn 100 triệu đồng. Từ bước đệm này, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi đại trà trên diện tích hơn 2ha. Bây giờ, tháng nào tôi cũng thả nuôi nên lúc nào cũng có sò thương phẩm để bán”, ông Tiến cho hay.

Được biết, trung bình 1 năm, ông Tiến thả nuôi hơn 70 triệu con giống. Sau 10 tháng thả nuôi, sò đạt trọng lượng từ 25 đến 30 con/kg, bán với giá 100.000 đồng/kg, riêng tu hài 250.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, mỗi năm, gia đình ông Tiến lời hơn 400 triệu đồng. Ông Tiến cho biết: “Nuôi sò chi phí đầu tư ít, trong quá trình nuôi không phải lo thức ăn. Sò có đặc tính di chuyển chậm nên cách nuôi rất đơn giản, dùng lưới mùng bao quanh rổ nhựa (cao 20cm, đường kính 40cm), bên trong thả con giống đem đặt dưới đáy vịnh có độ sâu từ 2 đến 3m. Mỗi rổ thả khoảng 50 con giống, 1 tháng kiểm tra 1 lần để có sự điều tiết đối tượng nuôi cho phù hợp”.

Thấy hộ ông Tiến nuôi hiệu quả, hiện nay, đã có hàng chục hộ chuyển sang nuôi các loại sò. Ông Vi Thanh Đông cho biết, trước đây gia đình ông nuôi cá bớp, chi phí đầu tư cao, công chăm sóc nhiều, chỉ cần một lần bị dịch bệnh có thể thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Chính vì thế, gia đình ông đã chuyển sang nuôi sò được hơn 4 năm nay. Thấy hiệu quả kinh tế cao, hiện nay, diện tích nuôi của gia đình ông Đông tăng lên đến 15 ô. Mỗi ô được khoanh với diện tích 100m2, thả 10 triệu con giống, sau 10 tháng thả nuôi thu hoạch được 7 tấn sò thương phẩm. “Nuôi sò lợi nhuận không cao bằng nuôi các loại thủy sản khác, nhưng khi đã thả nuôi thì thắng chắc. Mấy năm qua, gia đình tôi chỉ đầu tư nuôi sò vì không tốn chi phí thức ăn, không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng khá hơn”, ông Đông chia sẻ.

Theo lãnh đạo UBND phường Cam Phúc Bắc, hiện nay trên địa bàn có khoảng 40 hộ chuyển sang đầu tư nuôi các loại sò. Phần lớn những hộ này trước đây nuôi các loại thủy sản lồng. Từ ngày chuyển qua nuôi sò, các hộ này có kinh tế ổn định hơn.

Không còn phải lo con giống

Trước đây, điều trăn trở lớn nhất của người nuôi sò là con giống, bởi nguồn giống chủ yếu được khai thác trong tự nhiên nên rất bị động.

Bên cạnh đó, do quy mô và số lượng người nuôi tăng lên khiến cho con giống trong tự nhiên trở nên khan hiếm, tăng giá. Có lúc, con giống tự nhiên cỡ bằng ngón tay út có giá từ 1.200 đến 1.500 đồng/con. Mặt khác, tỷ lệ hao hụt cũng khá cao, khoảng 40%, do lúc bắt con giống, người dân không biết cách bảo quản, khi thay đổi môi trường đột ngột làm con giống bị chết.

Hiện nay, người nuôi sò không còn phải lo con giống vì hơn 2 năm nay, Công ty Phát triển Thủy sản Nam Đại Dương (phường Cam Phú, TP. Cam Ranh) đã nghiên cứu ươm tạo được các loại giống sò. Ông Đào Minh Tiến cho biết: “Hơn 2 năm nay, con giống đã có công ty cung cấp nên rất thuận lợi cho người nuôi. Giá thành con giống thấp chỉ 70 đồng/con, tỷ lệ hao hụt khoảng 20%. Bây giờ, chỉ cần gọi điện thoại là công ty đưa giống xuống tận nhà. Đồng thời, công ty còn cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn tận tình nên việc nuôi sò của gia đình tôi cũng như các hộ ở đây gặp nhiều thuận lợi”.

Bà Nguyễn Thị Hương - cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư TP. Cam Ranh cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố chỉ có người dân ở phường Cam Phúc Bắc là phát triển nuôi các loại sò với diện tích hơn 10ha. “Qua nhiều năm theo dõi, chúng tôi thấy đối tượng sò: mồng, dương, mía, tu hài phát triển khá tốt ở địa phương này và hầu như chưa xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, chúng tôi vẫn theo sát và hướng dẫn người dân để tránh sự chủ quan, dẫn đến phát sinh nguồn bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi sò”, bà Hương cho hay.

Báo Khánh Hòa