TIN THỦY SẢN

Hiệu quả từ quy hoạch vùng nuôi, trồng thủy sản trọng điểm

Cơ sở nuôi tôm tư nhân được đầu tư bài bản, hiện đại, đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu tại huyện Đầm Hà (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng. Anh Thắng

Ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đã có bước chuyển mình rõ rệt, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao, dựa trên các quy hoạch chính xác vùng nuôi, trồng thủy sản trọng điểm.

Hoạch định chiến lược nuôi trồng thủy sản từ tiềm năng sẵn có

Vân Đồn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều vũng, vịnh kín gió, thích hợp cho nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên ngư dân mới chỉ dừng lại ở tập trung sản xuất, chưa biết cách tạo đầu ra cho sản phẩm hoặc tìm kiếm thị trường tiêu thụ đủ mạnh.  

Sản xuất thủy sản của người dân chủ yếu là nhuyễn thể hai cùi và các sản phẩm cá lồng bè cung cấp cho thị trường nội địa.

Mặc dù hai sản phẩm thủy sản này được đánh giá rất cao trên các thị trường lớn, song thực trạng người dân bị thương lái ép giá, các sản phẩm chưa có chỗ đứng, không đồng đều về mặt chất lượng, hoặc chỉ dừng lại ở sản phẩm thô.

Nhận thức được vấn đề này, với sự định hướng của đơn vị chuyên môn trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Vân Đồn quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, lấy sản phẩm nhuyễn thể và cá lồng bè làm trọng tâm.

Một mặt, huyện triển khai xây dựng chợ đầu mối thủy sản để làm nơi giao dịch, giới thiệu các sản phẩm thủy sản; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến thủy sản, khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác và duy trì hoạt động của một số hiệp hội những người chuyên sản xuất thủy sản theo các ngành nghề riêng; triển khai xây dựng chương trình quảng bá, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm thủy sản thế mạnh đặc trưng của Vân Đồn và tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng đối với một số sản phẩm chủ lực…

Mặt khác, Vân Đồn quy hoạch vùng nuôi, trồng thủy sản trên 3.300ha nuôi, trồng thủy sản, trong đó nuôi nhuyễn thể tập trung chiếm 2.260ha, với đối tượng nuôi chủ yếu là ngao giá, tu hài, ốc các loại và diện tích nuôi cá lồng bè là 200ha.

Đồng thời, nghề thủy sản của Vân Đồn đã giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho trên 7.500 lao động tại địa phương. Đáng mừng là từ nghề này, không ít hộ dân đã trở thành triệu phú.

Gia đình anh Vũ Ngọc Thế ở khu 9, thị trấn Cái Rồng là một hộ gia đình tiêu biểu trong phong trào nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Vân Đồn.

Năm 2018, anh vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng đồng để thả giống hàu Thái Bình Dương, 3 vạn lồng tu hài, ngao giá. Đến khi thu hoạch, trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng.

Trong năm 2019, gia đình đã thả 3 triệu giống hàu, 19 vạn lồng nuôi ngao với tổng đầu tư trên 7 tỷ đồng. Hiện tại, riêng việc nuôi hàu, gia đình đã thu về trên 10 tỷ đồng.

Để nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản, hiện các doanh nghiệp, người dân đã tập trung chuyển hình thức nuôi sang bán thâm canh, các yếu tố kỹ thuật như cải tạo khu vực nuôi, quản lý quá trình nuôi được quan tâm, áp dụng.

Đơn cử như nuôi dây treo, khay treo, lồng treo áp dụng với hàu, tu hài, ngao hoa. Hay nuôi lồng thả đáy, đây là hình thức nuôi khá phổ biến đối với tu hài và một số loài ngao có giá trị kinh tế cao. Mô hình này đang phát triển mạnh ở hầu hết các xã đảo và xã ven biển của Vân Đồn.

Thủy sản chiếm trên 56% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp

UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó xác định 6 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh để tập trung chỉ đạo phát triển (Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả, Tiên Yên, Vân Đồn, Cô Tô).

Đến nay, giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 5.541,6 tỷ đồng, bằng 92,9% mục tiêu Nghị quyết đại hội.

Theo giá hiện hành thì giá trị ngành thủy sản năm 2019 đạt 12.337 tỷ đồng, chiếm 56,8% giá trị toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp, tăng 191,7% so với năm 2013 (giá trị sản xuất hiện hành ngành nông lâm ngư nghiệp 21.698,7 tỷ đồng).

Tốc độ tăng trưởng bình quân năm là 8%/năm (tăng gấp đôi so với năm 2013). Kinh tế thuỷ sản chiếm 3,21% GRDP của tỉnh.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh: Sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 13-NQ/TU đã thực sự đi vào cuộc sống, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết được triển khai đồng bộ, kịp thời, đạt kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực.

Cơ cấu ngành thủy sản chuyển dịch đúng hướng, nhiều sản phẩm thủy sản Quảng Ninh đã có thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường.

Đời sống ngư dân tiếp tục được cải thiện, nhiều hộ giàu lên từ nghề thủy sản, thu nhập bình quân của lao động ngành thủy sản năm 2018 đạt từ 7-8 triệu đồng/người/tháng (tăng 3,0-3,5 triệu đồng so với năm 2013).

“Trong thời gian tới, ngành thủy sản sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, phát huy tính sáng tạo trong triển khai công việc, cụ thể hóa các chính sách, huy động và phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế thủy sản toàn diện các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản, theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp…”, ông Minh nói.

Anh Thắng Nông nghiệp Việt Nam