Hỗ trợ để chuyển đổi nghề đánh thủy sản bền vững
Để phát triển ngành đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững, huyện Long Điền đang có nhiều giải pháp giảm dần nghề lưới kéo, chuyển đổi sang các nghề khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như lưới vây, lưới rê.
Huyện Long Điền hiện có 1.856 tàu cá, trong đó tàu có công suất trên 90CV hoạt động xa bờ là 1.354 tàu. Sản lượng khai thác thủy sản trung bình hàng năm trên địa bàn huyện khoảng 85.000-90.000 tấn. Tuy nhiên, nghề lưới kéo chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 72%) tổng số phương tiện đánh bắt xa bờ; các nghề khác như lưới vây, lưới rê chiếm khoảng 20%; còn lại 8% là các loại hình đánh bắt khác.
Thực hiện theo chủ trương không phát triển tàu lưới kéo, từ cuối năm 2014 huyện Long Điền đã chỉ đạo các ngành và địa phương phối hợp cùng Sở NN-PTNT tuyên truyền cho ngư dân hiệu quả kinh tế của nghề lưới rê, nghề câu; hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề đánh bắt. Qua đó, nhiều chủ tàu cá đã chủ động chuyển đổi từ nghề lưới kéo sang các nghề lưới rê, lưới vây, câu khơi...
Với nhiều ưu điểm như thời gian đi biển ngắn, nhu cầu lao động ít, hiệu quả khai thác cao đã giúp nhiều ngư dân tăng thu nhập từ nghề lưới rê. Ông Bạch Lứa (ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), chủ cặp tàu hành nghề lưới rê mới đóng năm 2016 và 2017 cho biết: “Nghề lưới rê, đánh các loại cá nổi có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ dưa gang. Mỗi chuyến biển chỉ đi trong vòng 30 ngày. Nếu sản lượng tốt, thu nhập của bạn ghe có thể lên tới 20 triệu đồng/chuyến”.
Mặc dù chuyển đổi nghề lưới kéo sang lưới vây, lưới rê mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên đối với ngư dân việc chuyển đổi không đơn giản. Một số chủ tàu hành nghề lưới kéo cho hay, để chuyển đổi tàu nghề lưới kéo sang các nghề khác thì chi phí cải hoán vỏ tàu khoảng 500 triệu đồng, chi phí ngư cụ (lưới) khoảng 2,8 tỷ đồng. Khó khăn là sau khi cải hoán, hoạt động của tàu sẽ không thể hiệu quả bằng một con tàu hành nghề lưới rê được đóng mới. Chưa kể, ngư dân phải mất thời gian học hỏi cách thức đánh bắt mới. Ông Đỗ Tấn Công (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), chủ đội tàu 12 chiếc, trong đó 4 cặp hành nghề lưới kéo, 4 chiếc hành nghề lưới rê, cho biết: “Chuyển đổi nghề lưới kéo sang nghề khác là chuyển đổi tập quán đánh bắt của ngư dân. Vì vậy, cần có thời gian để ngư dân tìm hiểu, làm quen với nghề. Hiện nay, việc tìm được tài công biết luồng cá nổi, chọn con nước, điểm đánh cũng rất khó. Bạn ghe đi lưới rê thì phải biết vá lưới, xông lưới, cột triêng…”.
Đề cập đến khó khăn khi chuyển đổi nghề khai thác, ông Bạch Lứa thừa nhận: “Việc chuyển đổi, cải hoán từ tàu lưới kéo sang lưới rê là không mấy hiệu quả. Cho nên, giải pháp đóng mới tàu lưới rê vẫn là tối ưu. Tuy nhiên, kinh phí để đóng mới một tàu lưới rê 500CV phải mất khoảng 6-7 tỷ đồng. Kinh phí lớn như vậy, nên ngư dân muốn chuyển đổi phải tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ phía Nhà nước”.
Trước khó khăn chung của ngư dân trong tỉnh khi chuyển đổi nghề đánh bắt, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Phân viện nghiên cứu hải sản phía Nam xây dựng đề án chuyển đổi nghề lưới kéo sang các nghề lưới rê, vây... Ông Nguyễn Bi, Phó Phòng Quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản phối hợp xây dựng đề án, dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành đề án chuyển đổi tàu lưới kéo sang các nghề lưới rê, vây, sau đó năm 2019 sẽ triển khai thí điểm. Lộ trình thực hiện theo hướng chuyển đổi các tàu lưới kéo cũ đã sử dụng trên 15 năm trên tinh thần tự nguyện của ngư dân. Trong giai đoạn triển khai thực hiện đề án, nếu bà con ngư dân chuyển đổi sẽ nhận được hỗ trợ một phần từ phía Nhà nước. Với những ngư dân muốn bán tàu lưới kéo, Chi cục Thủy sản cũng sẽ hỗ trợ tìm các đối tác nước ngoài có nhu cầu”.
Về chính sách hỗ trợ vốn, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Xuất phát từ tình hình thực tế, Sở NN-PTNT sẽ kiến nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân trong quá trình chuyển đổi từ nghề lưới kéo chuyển sang các nghề như: lưới rê, lưới vây, câu khơi, dịch vụ hậu cần thủy sản…”.
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số các chính sách phát triển thủy sản, trên địa bàn huyện có 40 tàu cá được phê duyệt, hiện có 27 tàu đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn ngân hàng với tổng số tiền cam kết cho vay hơn 440 tỷ đồng, đã thi công hoàn thành đưa vào hoạt động 24 tàu (3 tàu dịch vụ, 21 tàu khai thác gồm: 14 tàu gỗ, 5 tàu sắt, 2 tàu composite, đang thi công 7 tàu.