TIN THỦY SẢN

Hoằng Hóa: phòng chống bệnh cho tôm nuôi vụ xuân hè

Thu hoạch tôm sú tại xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa). Minh Hiền

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) vụ xuân hè năm 2018 đang trong giai đoạn thu hoạch, tuy nhiên tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ tăng cao, kết hợp gió mùa Tây Nam mạnh làm tăng nhiệt độ nước, bốc hơi nước và giảm mạnh lượng nước trong đồng nuôi, dẫn đến biến động môi trường nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, dẫn đến một số đồng nuôi có tôm bị chết.

Nguyên nhân tôm chết cũng đã được các cơ quan chuyên môn xác định rõ là do các mẫu nước có hàm lượng khí độc NO2, vi khuẩn vibrio cao hơn tiêu chuẩn cho phép, tôm có mang mầm bệnh đốm trắng. 

Theo một số chủ hộ NTTS trên địa bàn xã Hoằng Châu, ngoài một số diện tích NTTS có tôm chết với tỷ lệ cao như hộ ông: Nguyễn Đình Bình, Hoàng Ngọc Anh, Ngô Văn Hải, Nguyễn Đình Hoa... thì vẫn có nhiều hộ còn diện tích tôm thu hoạch ổn định như hộ ông: Nguyễn Trọng Sỹ, Nguyễn Đình Hạnh, Nguyễn Đình Thanh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Khắc Cương...

Ông Trịnh Ngọc Sỹ, thôn 11 cho biết: Gia đình ông có gần 3 ha NTTS, hiện tại sản lượng tôm thu hoạch hằng ngày vẫn ổn định với mức trung bình từ 5-7kg. Trong đồng nuôi còn nhiều lứa tôm nhỏ bị ảnh hưởng của thời tiết nên chậm lớn, ông đang tập trung chăm sóc, bởi theo kinh nghiệm của ông, những lứa tôm này sẽ lớn rất nhanh nếu vượt qua được đợt nắng nóng này.

Khi được hỏi về biện pháp để giữ được đồng nuôi ổn định trong những ngày vừa qua, ông Sỹ chia sẻ: Duy trì mực nước trong đồng nuôi, giữ ổn định môi trường nước là điều kiện tiên quyết đối với con tôm trong mùa nắng như thế này. Việc lấy nước vào đồng cũng phải chọn con nước thích hợp, lấy từ từ bởi nếu lấy nước vào ồ ạt, lượng mặn cao sẽ phá đáy bùn bồng lên, nước lờ đờ, tôm bị thiếu ôxi, bó mang và chết nhanh. Ông Sỹ cho biết thêm: Không chỉ đầu tư con giống mà để bảo đảm môi trường sống lý tưởng cho tôm, ông còn đầu tư mua các loại chế phẩm sinh học sử dụng định kỳ để xử lý môi trường nước, hạn chế các khí độc trong đồng. Ở đây, nhiều hộ nuôi đầu tư thả con giống nhưng không phải hộ nào cũng bỏ thêm chi phí cho các loại chế phẩm sinh học, một số người cũng chưa hiểu hết được hiệu quả của việc xử lý này.

Theo ông Nguyễn Đình Thanh, thôn 12, cũng là một trong những hộ duy trì được hơn 2 ha tôm nuôi ổn định, nắng nóng gay gắt kéo dài ảnh hưởng đến con tôm là điều khó tránh khỏi, bởi con tôm rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường. Vì vậy, ông Thanh duy trì ổn định môi trường nước, kiểm soát lượng thức ăn cho tôm như gion, giắt bởi thức ăn dư thừa trong ngày nắng nóng sẽ hôi thối rất nhanh, gây ô nhiễm môi trường nước...

Được biết, huyện Hoằng Hóa là địa phương có diện tích NTTS lớn với 2.994,16 ha, trong đó có 1.590 ha nuôi trồng nước lợ theo hình thức quảng canh cải tiến, 104 ha nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, ngoài xã Hoằng Châu, một số xã khác trên địa bàn huyện như: Hoằng Phụ, Hoằng Tân, Hoằng Yến cũng có hiện tượng tôm chết rải rác tại một số đồng nuôi. Các xã còn lại như Hoằng Hà, Hoằng Đạt, Hoằng Lưu, Hoằng Ngọc, Hoằng Thắng..., diện tích nuôi tôm vẫn ổn định.

Đồng chí Lê Huy Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho biết: UBND huyện Hoằng Hóa đã yêu cầu các phòng, ngành liên quan và các xã, thị trấn có diện tích NTTS trên địa bàn toàn huyện tập trung hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật xử lý nguồn nước đồng nuôi bị ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước tại các vùng nuôi, đồng thời phòng chống virus gây bệnh đốm trắng trên tôm.  Thông  báo cho tất cả các chủ đồng NTTS biết về kết quả xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước tại xã Hoằng Châu để thực hiện các biện pháp phòng tránh. Đối với các đồng nuôi có tôm bị chết, yêu cầu các chủ đồng chốt chặt cống thóat nước, thu gom xác tôm, tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi tôm bị bệnh đang ở phạm vi hẹp. Khử trùng nguồn nước trong đồng nuôi bằng clorine 30ppm, vôi bột. Nếu đã khử trùng, sau 5 ngày mới được xả ra môi trường. Đối với những đồng nuôi đang ổn định, thường xuyên kiểm tra đồng, nhất là vào lúc sáng sớm và tối để phát hiện kịp thời các dấu hiệu tôm yếu, tôm bệnh, hạn chế thay nước, định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định độ PH và độ kiềm, giảm hàm lượng các khí độc trong đồng nuôi và kiểm soát mật độ vi khuẩn vibrio. Những đồng nuôi có tôm đạt kích cỡ thương phẩm cần thu hoạch ngay để tránh thiệt hại.

Minh Hiền Báo Thanh Hóa