Hoằng Lưu ứng dụng công nghệ nuôi tôm công nghiệp
Xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa có 200 ha nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên trước đây hầu hết các hộ nuôi quảng canh nên hiệu quả kinh tế thấp, năm 2018, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thâm canh công nghiệp mang lại giá trị thu nhập cao.
Xã Hoằng Lưu có 200 ha nuôi trồng thủy sản, nhưng người dân chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh, lợi nhuận mỗi ha chỉ đạt khoảng 30-50 triệu đồng. Năm 2018, cùng với chuyển một số diện tích đất trồng lúa sâu trũng hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản, một số hộ nông dân trên địa bàn xã đã đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ nuôi tôm công nghiệp trên bể xi măng có mái che hoặc nuôi ao phủ bạt.
Để tạo điều kiện cho các hộ nâng cao hiệu quả nuôi trồng, Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Lưu chủ động nhập con giống có chất lượng về ươm và cung ứng cho các chủ ao đầm. Hiện nay, những mô hình nuôi tôm công nghiệp, tuy mức đầu tư lớn nhưng giá trị thu nhập gấp 15-20 lần so với nuôi quảng canh.
Ông Chu Hữu Đỗ, Giám đốc HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa: "Mô hình nuôi tôm công nghiệp, các hộ có thu nhập rất lớn, tới đây có rất nhiều hộ đăng ký chuyển đổi từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh công nghiệp và trong nhà kính."
Giai đoạn 2018-2020, định hướng phát triển của ngành tôm Thanh Hóa là tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm tôm thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất, đồng thời xây dựng nền tảng cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững ở giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, hiệu quả bước đầu của những mô hình nuôi tôm công nghiệp của Hoằng Lưu huyện Hoằng Hóa là điều kiện để ngành nông nghiệp tỉnh và người dân nghiên cứu nhân rộng mô hình này, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững.