Hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất thủy sản
Mặc dù có nhiều tiến bộ, công nghệ khai thác và nuôi trồng thủy sản ngày càng được đổi mới, nhưng đội tàu khai thác hải sản, các cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam vẫn chưa được phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, vẫn sử dụng nhiều lao động, năng suất còn thấp, tổn thất vẫn còn cao, vẫn còn rủi ro mất an toàn thực phẩm và tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này dẫn đến sản xuất thủy sản ở nước ta đạt hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững và không ổn định.
Sự khác nhau giữa thế giới và Việt Nam
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), ở các nước phát triển như: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc..., hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) giữa các tổ chức, cá nhân được quản lý chặt chẽ dựa trên hệ thông pháp luật đầy đủ về quyền sở hữu, quyền tác giả theo cơ chế thị trường. Trong đó, kết quả nghiên cứu, sáng chế, giải pháp hữu ích,... được coi là một dạng hàng hóa có thể mua bán trên thị trường. Hoạt động chuyển giao KHCN được thực hiện qua các hợp đồng kinh tế giữa các tổ chức và cá nhân để trao đổi, mua bán hàng hóa (là các sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết công nghệ...).
Còn tại một số nước đang phát triển như: Trung Quốc, Thái Lan,... hoạt động chuyển giao KHCN chủ yếu vẫn được thực hiện bởi các cơ quan chính phủ sử dụng ngân sách Nhà nước. Các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới (được tạo ra từ các cơ quan nghiên cứu khoa học hoặc nhập khẩu từ nước ngoài) được xây dựng thành các mô hình trình diễn để các tổ chức, cá nhân đến thăm quan, tìm hiểu, học cách triển khai và cơ quan chuyển giao công nghệ có thể hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ một phần kinh phí để các tổ chức, cá nhân triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đó vào sản xuất.
Ở Việt Nam, hoạt động ứng dụng KHCN được thực hiện thông qua 02 hình thức chủ yếu là các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới được du nhập vào Việt Nam thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ (mô hình muôi siêu thâm canh tôm chân trắng, khai thác cá ngừ ở Bình Định,...) hoặc tự phát triển dựa trên mô hình mẫu của nước ngoài (công nghệ nuôi tôm bằng Biofloc, lưới chụp mực, câu cá ngừ đại dương, tời thu lưới vây,...). Hoạt động này do các doanh nghiệp và người dân tự thực hiện. Bên cạnh đó, hình thức chuyển giao nhân rộng cho sản xuất các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới từ nghiên cứu khoa học hoặc tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn. Hoạt động này thường được thực hiện trong các chương trình, dự án khuyến ngư hoặc hỗ trợ kỹ thuật khác do các cơ quan Nhà nước thực hiện chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân tại các địa phương.
Hoạt động chuyển giao KHCN ở Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ. Qui định pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu, quyền tác giả chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa gắn với hoạt động phát triển, chuyển giao công nghệ. Hầu hết các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới đang được các tổ chức chuyển giao cho sản xuất thực tiễn chưa được đánh giá và công nhận là tiến bộ kỹ thuật theo qui định nên hiệu quả chưa cao. Sự vi phạm các qui định pháp luật về quyền sở hữu, quyền tác giả chưa được quản lý theo qui định. Hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ được thực hiện tản mát trong nhiều chương trình, dự án khác nhau như: khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề nông thôn, đào tạo lao động trên tàu vỏ thép,... chưa có sự điều phối, kết hợp nên hiệu quả chưa cao hoặc chồng chéo gây lãng phí.
Những thành tựu KHCN trong sản xuất thủy sản ở Việt Nam
Hoạt động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) và chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất thủy sản ở Việt Nam đã được quan tâm chỉ đạo hơn. Đồng thời, các chính sách của Nhà nước đã thu hút và khuyến khích được đông đảo các các tổ chức, cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản đã được cải thiện đáng kể.
Trong lĩnh vực khai thác, năng lực đội tàu khai thác hải sản xa bờ được cải thiện, ngư trường khai thác ngày càng được mở rộng, tàu cá Việt Nam đã có mặt ở tất cả các ngư trường trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, góp phần đảm bảo an ninh và tìm kiếm, cứu nạn trên các vùng biển. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm các đối tượng chủ lực đã được cải tiến, chất lượng con giống (tăng trưởng nhanh, sạch bệnh), năng suất và chất lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản tăng lên rõ rệt; bước đầu quản lý được môi trường ao nuôi, vùng nuôi và kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên các đối tượng nuôi.
Hoạt động ứng dụng TBKT và công nghệ mới trong sản xuất thủy sản thời gian qua đã bám sát vào mục tiêu phát triển của ngành là tăng năng suất, chất lượng; nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng; phát triển bền vững, an toàn môi trường; nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng. Hầu hết các TBKT và công nghệ mới trong sản xuất thủy sản trên thế giới đã được nghiên cứu và bước đầu được thử nghiệm áp dụng vào Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ đóng tàu cá vỏ thép, composite kích thước lớn đảm bảo hoạt động an toàn, dài ngày trên các vùng biển; Đã sản xuất và thi công được hệ thống tời thủy lực để thu lưới, thu câu để tăng hiệu suất, ổn định và đảm bảo an toàn khi vận hành; thiết kế và thi công được hệ thống hầm bảo quản bọc PU để giảm tổn thất chất lượng sản phẩm trên tàu; áp dụng và khai thác có hiệu quả các thiết bị điện tử hiện đại như: máy dò cá ngang, máy đo dòng chảy, máy định vị có hải đồ, ra đa... để tăng năng suất khai thác và đảm bảo an toàn cho tàu, ngư cụ.
Thiết kế và thi công được các hệ thống ngư cụ có kích thước lớn khai thác hiệu quả các đối tượng có giá trị kinh tế như: lưới vây cá ngừ, câu cá ngừ, lưới chụp,...; Đã áp dụng được các công nghệ sản xuất giống tiên tiến như: điều kiển giới tính, lai ghép,... để tạo ra các đàn giống có chất lượng tốt hơn phục vụ nuôi thương phẩm; Đã áp dụng thanh công các mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm thẻ chân trắng, cá tra; Đã áp dụng được hệ thống tuần hoàn (RAS) tại một số cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số đối tượng như: tôm nước lợ, cá tra, cá cảnh,...; Đã áp dụng được các phương pháp chẩn đoán bệnh hiện đại và áp dụng thành công các biện pháp trị một số bệnh thường gặp trên thủy sản nuôi.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, hiện nay tốc độ đổi mới công nghệ ở nước ta vẫn còn chậm, hoạt động ứng dụng TBKT và công nghệ mới trong sản xuất thủy sản chưa hiệu quả. Thực tế, hoạt động ứng dụng TBKT và công nghệ mới trong sản xuất thủy sản trong thời gian qua mang tính tự phát, manh mún, thiếu động bộ, sức lan tỏa chưa cao, chưa phù hợp điều kiện sản xuất thực tiễn.
Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế này là chính sách khuyến khích ứng dụng TBKT trong sản xuất thủy sản cũng còn nhiều bất cập, người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay nên ngay cả khi có nhu cầu đổi mới công nghệ, đồng bộ trang thiết bị phục vụ sản xuất thì vẫn gặp khó khăn khi thực hiện. Sự liên kết giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất còn chưa chặt chẽ. Sự tham gia của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủy sản vào quá trình nghiên cứu, ứng dụng TBKT còn hạn chế. Mặc dù có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ nhưng hiệu quả của các chính sách này không cao;
Hệ thống chuyển giao, ứng dụng TBKT thiếu đồng bộ. Hoạt động công nhận tiến bộ kỹ thuật chưa được quan tâm thực hiện, công tác tổng kết mô hình công nghệ mới từ sản xuất thực tế chưa được quan tâm nên gây khó khăn cho công tác xây dựng kế hoạch chuyển giao TBKT vào sản xuất. Hoạt động khuyến ngư còn nhiều hạn chế như: TBKT chuyển giao chưa được đánh giá, công nhận bài bản; thiếu trọng tâm, trọng điểm,... Hệ thống thông tin khoa học công nghệ nói chung và thị trường khoa học công nghệ nói riêng còn chưa được quan tâm phát triển. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn hạn chế; năng lực và kỹ năng chuyển giao công nghệ của các tổ chức triển khai còn hạn chế, đặc biệt ở cấp cơ sở.
Năng lực quản lý và tài chính của các cơ sở sản xuất thủy sản, đặc biệt là các hộ gia đình còn hạn chế, chưa đủ để đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất như: hệ thống nuôi tuần hoàn, công nghệ lưới vây đuôi... Hơn nữa, trình độ của lao động thủy sản còn hạn chế. Nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại được đầu tư nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả như: sử dụng máy PCR trong chẩn đoán bện thủy sản, sử dụng máy dò ngang trong việc dò tìm và đánh giá đàn cá,... Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới thiếu đồng bộ từ khâu thiết kế, thi công, đào tạo lao động, vận hành, quản lý hệ thống làm cho hiệu quả áp dụng các TBKT và công nghệ mới chưa cao và chưa rõ rệt nên chưa tạo động lực thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp và người dân để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Quản lý chuỗi giá trị trong sản xuất thủy sản còn nhiều bất cập, chưa minh bạch, rõ ràng; thiếu hệ thống tiêu chuẩn chất lượng nên tình trạng ép cấp, ép giá vẫn còn diễn ra phổ biến. Thực tế, doanh nghiệp và người dân có đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới để tăng chất lượng sản phẩm, nhưng giá bán không tăng. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân không có động lực để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đổi mới công nghệ.