Hoạt động khai thác cá ngừ đại dương tại Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ sashimi cá ngừ đại dương lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Hòa Bình Xanh, hàng năm có đến 80% lượng cá ngừ đại dương thế giới được tiêu thụ dưới hình thức này tại Nhật Bản.
Đồng thời, Nhật Bản cũng chính là quốc gia có nghề khai thác cá ngừ đại dương phát triển mạnh. Ủy ban Quản lý nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương (WCPFC) cho biết, số liệu thống kê liên quan đến hoạt động khai thác cá ngừ của Nhật Bản được bắt đầu ghi nhận từ năm 1953. Theo đó, các ngư cụ sử dụng chính gồm có: câu vàng, câu chạy và lưới vây. Việc thu thập số liệu đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương của Nhật Bản được thực hiện liên tục, chi tiết đến sản lượng của mỗi loài cá quan trọng như cá ngừ mắt to, ngừ vây vàng, ngừ sọc dưa, cá kiếm, cá cờ, thu ngàng… và được thống kê, thu thập cho từng đội tàu riêng biệt.
Năm 1953, Nhật Bản có 669 tàu câu vàng cá ngừ ven bờ, 1.064 tàu câu vàng cá ngừ xa bờ và đại dương, 622 tàu câu chạy cá ngừ. Đến năm 1969 mới xuất hiện 4 tàu lưới vây cá ngừ. Số lượng tàu câu vàng cá ngừ ven bờ cũng như tàu câu vàng cá ngừ xa bờ và viễn dương của Nhật Bản biến động mạnh trong suốt mấy thập kỷ qua. Cho đến thời điểm năm 2003, số lượng tàu câu vàng cá ngừ ven bờ chỉ còn khoảng 320 chiếc và hiện tại còn khoảng 230 chiếc. Tương tự với số lượng tàu câu vàng cá ngừ xa bờ và viễn dương, đến năm 2006 còn 683 chiếc và thời điểm năm 2012 chỉ còn 124 chiếc. Điều này cho thấy, mặc dù được phát triển sớm, số lượng tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của Nhật Bản đã giảm đi đáng kể trong hai thập kỷ qua.
Nghề câu chạy cá ngừ cũng có xu hướng liên tục giảm số lượng phương tiện khai thác. Đến năm 2000 chỉ còn 160 phương tiện và hiện tại chỉ còn khoảng 90 phương tiện đang hoạt động. Nghề câu chạy chủ yếu khai thác cá ngừ sọc dưa và một số cá ngừ đại dương khác. Số lượng tàu thuyền nhiều nhất vào những năm cuối của thập niên 70 đến đầu năm 1980, khoảng 650 phương tiện. Sau năm 1980, đội tàu này đã giảm dần về số lượng.
Nghề lưới vây cá ngừ Nhật Bản phát triển sau so với hai nghề trên, song xu hướng về biến động số lượng phương tiện khai thác thì ngược lại - tăng liên tục. Đến năm 2000 có 37 chiếc, 2010 có 70 chiếc và hiện tại Nhật Bản có khoảng 80 tàu làm nghề lưới vây cá ngừ. Số phương tiện làm nghề này tăng nhanh vào năm 2004 - 66 chiếc). Trước đó (năm 2003) đội tàu này chỉ có 35 chiếc.
Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của Nhật Bản cao nhất vào những năm 1980 đạt khoảng 530.000 tấn và sau đó chỉ tiêu này giảm, duy trì ở mức ổn định, dao động khoảng 430.000 tấn trong vài năm lại đây. Thông tin chi tiết về tổng sản lượng khai thác cá ngừ hàng năm theo loại nghề hoạt động được trình bày ở bảng dưới đây:
Nghề lưới vây cá ngừ đang có xu hướng tăng mạnh về sản lượng trong khi các nhóm nghề câu trái lại có xu hướng giảm sản lượng. Điều này có thể do sự hạn chế về ngư trường do việc thực hiện Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982 và sự suy giảm nguồn lợi cá ngừ đại dương, đặc biệt là cá ngừ vây xanh, cá ngừ vây ngực dài và cá ngừ mắt to.
Nhóm lưới vây cá ngừ thường có tỷ lệ trội của cá ngừ sọc dưa Katsuwonus pelamis trong sản lượng khai thác, chủ yếu dao động trong khoảng 70-85% tổng sản lượng chuyến biển. Tiếp đó là cá ngừ vây vàng khoảng 15%, cá ngừ mắt to chỉ chiếm khoảng 3% tổng sản lượng khai thác.
Tương tự như nghề lưới vây, nghề câu chạy cá ngừ có đối tượng khai thác chính là cá ngừ sọc dưa (trên 50% sản lượng), tiếp theo là cá ngừ vây ngực dài (trên 20% sản lượng), cá ngừ vây vàng và ngừ mắt to chiếm tỷ lệ không đáng kể, tỷ lệ sản lượng của mỗi loài chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản lượng khai thác của nghề .