TIN THỦY SẢN

Hội thảo đánh giá mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong hồ chứa thủy lợi

Cá thát lát cườm NTN

Ngày 17.11, tại huyện Vĩnh Thạnh, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tổ chức hội thảo tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong hồ chứa thủy lợi gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2023 bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND xã Vĩnh Hảo, thị trấn Vĩnh Thạnh triển khai xây dựng mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong hồ chứa thủy lợi gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm tại hồ Định Bình nhằm hỗ trợ người dân trong việc phát triển nghề nuôi cá gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, để người dân yên tâm trong việc sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Đồng thời hướng đến việc tạo ra sản phẩm cá thát tát cườm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: NTN

Mô hình được chọn xây dựng tại địa điểm khu vực lòng hồ có điều kiện môi trường nước sâu thuận lợi, nơi đã nuôi thành công cá lồng từ nhiều năm nay. Hai chủ mô hình được chọn ra từ những hộ nông dân có kinh nghiệm thực tế với nghề nuôi cá, đã có sẵn lồng, bè và xuồng máy để đi lại kiểm tra, chăm sóc cá hàng ngày; hộ dân đánh bắt tận dụng được nguồn cá tự nhiên (cá xẹp) trong hồ để làm thức ăn cho cá, giảm bớt chi phí đầu tư thức ăn công nghiệp.

Các hộ dân được hỗ trợ 50% chi phí con giống, thức ăn vật tư thiết yếu. Đồng thời, được sự quan tâm, chỉ đạo, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc hộ dân tham gia mô hình, thực hiện tốt quy trình kỹ thuật nên kết quả mô hình đem lại hết sức khả quan. Sau 8 tháng thả nuôi, cá thát lát cườm sinh trưởng, phát triển rất tốt, tỷ lệ sống 85,55%, trọng lượng trung bình 490 gam/con, ước tính lợi nhuận mang lại đạt từ 35 – 46 triệu đồng/100 m3 lồng nuôi.

Cá sinh trưởng khá tốt, đạt trọng lượng 490 gam/con sau 8 tháng nuôi. Ảnh: NTN

Tham gia hội nghị tổng kết, đa số các hộ dân đánh giá cao kết quả mang lại. Nếu so với các giống cá hiện đang nuôi tại Hồ chứa Định Bình, thì mức thu nhập trên là cao hơn hẳn, hơn nữa đây là giống cá có chất lượng thịt tốt theo thị hiếu người tiêu dùng và khả năng nhân rộng của mô hình là rất cao trong thời vụ nuôi sắp đến tại khu vực lòng hồ này.

Trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đã tư vấn và giúp các hộ dân ký kết được với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu hết sản phẩm làm ra từ mô hình và tiếp tục cho những vụ nuôi sau này. Thành công của mô hình đã tạo đà phát triển cho một đối tượng nuôi có giá trị thương phẩm cao, đa dạng hóa sản xuất, thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, từng bước tạo thương hiệu cho sản phẩm cá thát lát cườm, góp phần phát triển kinh tế địa phương./.

NTN