TIN THỦY SẢN

Huy Thuận - điển hình khắc phục EMS ở Bến Tre

Thu hoạch tôm tại Công ty Huy Thuận Ths Bảo Xuyên

Tại tỉnh Bến Tre, Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Huy Thuận (Công ty Huy Thuận) là doanh nghiệp nuôi tôm lớn nhất với diện tích hơn 250 ha. Đến với Công ty Huy Thuận những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp ánh mắt, nụ cười trong không khí vui tươi vì trúng mùa tôm. Đây là điển hình thành công khắc phục được EMS đang được nhân rộng ở vùng đất xứ dừa.

Khắc phục dịch bệnh

Theo Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bến Tre, những tháng đầu năm 2013, người nuôi tôm trong tỉnh gặp nhiều khó khăn do nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao, sau đó mưa nhiều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi. Vụ 1 năm 2013, toàn tỉnh bị thiệt hại khoảng trên 1.100 ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích thả nuôi, chủ yếu do bệnh EMS và đốm trắng...

Tại Công ty Huy Thuận, đợt 1 năm 2012, từ 27/3 đến 15/5 thả nuôi 50 ao gần 25 ha, từ ngày tuổi 15 - 70, 100% ao nuôi tôm bị nhiễm EMS, sản lượng thu hoạch chỉ 70 tấn, kích cỡ 60 - 350 con/kg. Công ty Huy Thuận đã có biện pháp riêng để khắc phục dịch bệnh và đem lại hiệu quả cao. Đợt 2 năm 2012, từ 30/5 đến 30/6 thả nuôi 103 ao khoảng 50 ha, chỉ có 11 ao bị nhiễm EMS, tỷ lệ thành công 89,3%, sản lượng 600 tấn, năng suất trung bình 13 tấn/ha, cỡ tôm thu hoạch 60 - 90 con/kg.

Và điều làm nên thành công

Để khắc phục dịch bệnh EMS trên tôm nuôi, Công ty Huy Thuận đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm khắc phục bệnh EMS/AHPNS từ TS. Lightner và nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Arizona, Mỹ…

Ông Nguyễn Trọng Huy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cho biết: "Rút kinh nghiệm từ những thành công và thất bại của vụ nuôi tôm năm 2012, năm 2013, Công ty thả tôm giống từ tháng 4/2013, đến tháng 7/2013 đã thả được 150 ao. Trong đó, 60 ao đang giai đoạn thu tỉa và thu hoạch với cỡ tôm 50 - 90 con/kg, năng suất 18 - 20 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt 80%, FCR 1,3. Còn lại 90 ao, tôm đang giai đoạn 5 - 45 ngày tuổi và phát triển tốt".

Theo ông Huy, Công ty mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, luôn cập nhật, cải tiến quy trình nuôi tôm như chọn tôm giống sạch bệnh, cho tôm ăn bằng máy, xử lý nước 2 lần trước khi thả giống (cách nhau 25 - 30 ngày), quản lý môi trường nước ao nuôi trong khoảng tối ưu (pH: 7,5 - 8,0, độ kiềm: >= 120  mg/l, ôxy hòa tan: >= 5 mg/l), định kỳ trộn men vi sinh đường ruột (dòng Lactobasilus) và thực hiện thả cá rô phi vào ao nuôi (thả lúc tôm 21 ngày tuổi, mật độ 1 con/10 m2 mặt nước). Thả cá rô phi vào ao nuôi tôm công nghiệp là giải pháp mới có tác dụng thúc đẩy quần thể tảo lục trong ao nuôi phát triển, cá ăn thức ăn dư thừa, phân tôm... góp phần khống chế vi khuẩn có hại, cải thiện môi trường nước ao nuôi và hạn chế bệnh EMS.

Thành công của Huy Thuận không chỉ góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất của Công ty mà còn mở hướng khắc phục bệnh EMS cho người nuôi tôm ở Bến Tre.

Bên cạnh sản xuất tôm thương phẩm, Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Huy Thuận còn chú trọng tới sản xuất tôm giống. Đầu tháng 8/2013, Công ty nhập 600 cặp tôm thẻ chân trắng bố mẹ dòng sạch bệnh (SPF) từ Công ty SIS, Hawaii (Mỹ). Theo ông Nguyễn Trọng Huy - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cho biết, đầu tháng 3/2013, Công ty Huy Thuận đã nhập 600 cặp tôm thẻ chân trắng dòng sạch bệnh từ Công ty SIS và áp dụng phương pháp cho tôm đẻ tự nhiên (không cắt mắt). Kết quả, Công ty đã sản xuất được hơn 577 triệu tôm post chất lượng cao cung cấp cho thị trường.

Ths Bảo Xuyên www.thuysanvietnam.com.vn, 27/8/2013