TIN THỦY SẢN

Kết quả quan trắc môi trường vùng nuôi tôm nước lợ một số tỉnh ĐBSCL

Nuôi tôm Bạc Liêu. Ảnh: Internet Thanh Thủy

Trung tâm vùng 1, Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản đã tiến hành quan trắc môi trường nước cấp cho vùng nuôi tôm nước lợ phục vụ xuất khẩu tại một số tỉnh trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) đợt thu mẫu số 16.

Nhận thấy trong đợt quan trắc ngày 25/10/2018, ghi nhận thông tin tôm nuôi bị nhiễm một số bệnh như bệnh đốm trắng (Bình Đại và Ba Tri, Thạnh Phú (Bến Tre)); bệnh đầu vàng trên tôm sú nuôi ở Đông Hải, Phường 8 (Bạc Liêu). Tại thời điểm này, đã kết thúc lịch thả tôm chính vụ nhưng còn nhiều cơ sở đã thu hoạch tôm nhưng chưa thả lại giống. Về kết quả quan trắc chất lượng nước cấp, các chỉ tiêu nhiệt độ, ô xy hòa tan, pH không có biến động so với kỳ quan trắc trước, ngày 18/10/2018. Giá trị trung bình toàn đợt quan trắc của nhiệt độ, pH, ô xy hòa tan nằm trong giới hạn tham chiếu với QCVN 02-19; 2014/BNNPTNT. Nhiệt độ nước dao động từ 27,0 – 31,2oC, đạt trung bình 29,6oC và xấp xỉ mức tương đương so với đợt quan trắc ngày 18/10/2018 (trung bình 29,9oC), nhưng có biên độ giao động lớn hơn. pH trung bình bằng 7,4. Có 01 vị trí quan trắc cho kết quả pH dưới ngưỡng tham chiếu (pH từ 7 đến 8,5) là Gia Hòa (Sóc Trăng) có (pH = 6,9). Kết quả kiểm tra ô xy hòa tan cho thấy giá trị trung bình toàn đợt đạt 3,7 mg/l. Phường 8, Đông Hải và kênh Trường Sơn (Bạc Liêu) có kết quả quan trắc ô xy hòa tan thấp nhất, ≥ 2,5 mg/l.

Bên cạnh đó, độ mặn trung bình toàn đợt 6,2‰, nằm trong giới hạn tham chiếu. Các điểm có độ mặn thấp và nằm ngoài giới hạn tham chiếu theo QCVN 02– 19:2014/BNNPTNT (từ 5 – 35‰) là 3,2‰ tại Phường 8 (Bạc Liêu); 1,0 ‰ tại Thạnh Phú (Bến Tre); và tại (Sóc Trăng). Đặc biệt, ba vị trí quan trắc tại Lịch Hội Thượng, Gia Hòa và Đại Ân (Sóc Trăng) tiếp tục duy trì độ mặn ở mức 0‰. Kết quả này phản ánh đúng thực tế khi mùa mưa đang ở giai đoạn chính, mưa sảy ra thường xuyên kết hợp nước lũ đồ về vùng ĐBSCL tăng lên gần đây, làm độ mặn giảm. Theo ghi nhận tại hiện trường và qua theo dõi số liệu của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, đây là hiện tượng bình thường trong những năm gần đây, vào mùa mưa, độ mặn tại các điểm này rất thấp, do đó người nuôi tôm thường tích trữ nước từ trước đó để chủ động sản xuất, đồng thời hạn chế tối đa việc thay nước trong mùa mưa…

Kết quả quan trắc cho thấy thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp. Lũ trên các lưu vực sông Cửu Long dâng cao kết hợp với thủy triều lớn bất thường trong những ngày gần đây tác động không nhỏ đến quản lý chất lượng nước ao nuôi tôm nước lợ.

Để hạn chế rủi ro do  thời tiết bất lợi, môi trường thay đổi, cơ quan chức năng khuyến cáo các cơ sở nuôi tôm nên áp dụng một số biện pháp như: Duy trì thực hành tốt Quy chuẩn quốc gia QCVN 02 - 19:2014/BNNPTNT về cơ sở nuôi tôm nước lợ; Điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, kết hợp việc tuân thủ lịch thời vụ và các khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh. Cùng đó, theo dõi, cập nhật lịch đóng mở của các cống ngăn mặn, điều tiết sản xuất và kết quả quan trắc môi trường của địa phương để chủ động trong việc lấy nước, thả giống được kịp thời. Trước khi thả giống, cần theo dõi độ mặn trong ao và báo cho trại sản xuất giống để thuần hóa độ mặn của tôm giống cho thích hợp nhằm hạn chế hao hụt, rủi ro sau khi thả.

Đồng thời, chuẩn bị đủ ao chứa, ao lắng để dự trữ nước và xử lý thật kỹ trước khi đưa vào ao nuôi…, thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu môi trường cơ bản như nhiệt độ pH, DO, độ kiềm, NO2. Duy trì  pH ở mức thích hợp (7.5 - 8.5) và dao động không quá 0.5 trong ngày. Nếu DO xuống dưới 3.5 mg/l phải chạy quạt nước trong ao nuôi thâm canh.

Đối với vùng nuôi có hàm lượng H2S, N-NO2- cao, cần tăng cường sục khí, đặc biệt vào lúc sáng sớm; điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa. Sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định pH và độ kiềm, giảm lượng khí độc H2S, NO2-.

Còn đối với khu vực có mật độ vi khẩn  Vibrio tổng số và V. parahaemolyticus cao, nên giảm lượng thức ăn khoảng 10% trong 2 – 3 ngày, tăng cường vệ sinh đáy ao kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế Vibrio tổng số trong ao. Tăng cường sục khí vào ban đêm và sáng sớm. Cần xử lý nước trước khi lấy vào và thải ra để đảm bảo nguồn nước an toàn cho cơ sở nuôi và môi trường bên ngoài.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát chất lượng và số lượng thức ăn hàng ngày, tránh dư thừa và tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men vi sinh vào khẩu phần ăn của tôm nuôi...

Thanh Thủy TCTS