Khan hiếm sản vật miền Tây ngay giữa mùa nước nổi
Đồng bằng sông Cửu Long không còn lũ, những sản vật và đặc sản mùa nước nổi cũng trở nên khan hiếm, đến mức có tiền chưa chắc mua được.
Cá linh cao giá hơn thịt bò
“280.000 đồng/kg cá linh, chú mua không? Giá này tui bán cho chú mà tui cũng xót theo” - bà Thu, 54 tuổi, chủ sạp cá ở thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, gọi điện thoại cho một khách quen ở TP.HCM phân trần. Bà kể, mấy chục năm làm nghề bán cá, chưa khi nào bà thấy cá linh hiếm và được săn đón như hiện nay.
Một tiểu thương tại chợ Tháp Mười, thị trấn Mỹ An, H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp chỉ có nửa ký cá linh để bán.
Vị khách mà bà vừa trò chuyện là giám đốc một trạm đăng kiểm ở TPHCM và người này đã dặn từ nhiều ngày trước, đến ngày thứ tư mới có hàng. Muốn gom được 2 - 3kg cá linh là chuyện không hề đơn giản, dù thời điểm này, theo chu kỳ hằng năm, nước đổ vào đầy đồng.
Đã qua tháng Mười nhưng con đường dọc biên giới từ thị xã Kiến Tường về thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), đất nhiều nơi vẫn nứt nẻ. Những chiếc lưới kéo cá vẫn còn vắt trên tường nhà. Mấy cây dầm để chèo xuồng nằm một xó, chẳng ai quan tâm. Ông Hai Sinh - ở cù lao Tây, H.Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, có 60 năm săn cá linh trên sông Tiền - phân trần: “Năm nay, thêm một mùa cá linh “mắc cạn”. Tiểu thương gọi hỏi cá mỗi ngày, tôi hì hục chài lưới, giỏi lắm cũng chỉ được nửa ký cá linh, giá cao hơn cả thịt bò”.
Ông Sinh kể, khoảng mười năm về trước, đến tháng Tám âm lịch, người dân lại bắt đầu sáu tháng cuối năm sống chung với mùa nước nổi. Mùa nước nổi, cù lao như trẩy hội, người thì đốn tre làm cầu, trẻ nhỏ lo chặt chuối làm bè, nhà nhà, người người chuẩn bị những dụng cụ thô sơ để bắt cá, hái những sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất màu mỡ này.
Ông Hai Sinh, ngụ Cù lao Tây (Đồng Tháp) người 60 năm săn cá linh trên sông Tiền đỏ mắt vẫn không tìm được cá linh.
“Sáng sớm, nghe tiếng tù và thổi vang trời, báo hiệu cá đang chạy theo con nước, đang ngủ ngon giấc cũng phải chèo thật nhanh ra giữa sông để đón lộc. Lưới thả xuống thu về cá lóc, cá trê, lươn, cá mè hôi, cá trắm cỏ, cá kết, cua đồng, ốc, còn cá linh thì nhiều vô kể. Cá linh là loài cá mà bán không ai mua, cho không ai thèm lấy. Bây giờ, đôi khi muốn chạy xuồng ra thả lưới nhưng lại sợ lưới rách, tốn xăng mà không bắt được con cá nào” - ông Sinh nhớ lại, giọng buồn thiu.
Trắng đêm săn cá linh nhưng... trắng tay
Nhiều ngày ở miền Tây, khó lòng tìm được cánh đồng nào có nước chảy vào, ngoại trừ cánh đồng nhỏ nằm cặp biên giới tại thị trấn Sa Rài, H.Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, nhưng nước cũng rất ít khiến xuồng thường xuyên mắc cạn. Tại bến đò An Thi, anh Trào buồn bã phân loại cá linh và tép sau một đêm thức trắng kéo lưới. Suốt 12 giờ vất vả, anh Trào chỉ thu được 1kg cá linh và 2kg tép.
Mấy năm trước, anh cùng những người bạn thường đánh lưới ở khu vực biên giới giữa H.Hồng Ngự và Campuchia. Tuy nhiên, do cánh đồng đó có chủ, muốn khai thác, phải trả tiền thuê; 6 tháng mùa lũ, phải bỏ ra chừng 16-20 triệu đồng. Do biết năm nay không còn cá, nước lũ không đủ chảy vào đồng nên anh kéo xuồng về thị trấn Sa Rài để thả lợp, đặt dớn, kiếm sống qua ngày.
Anh Nguyễn Văn Giàu - ở thị trấn Thường Thới Tiền, H.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - chẳng mấy mặn mà khi chúng tôi gợi ý kéo lưới đi đánh cá vì anh biết rằng, mùa lũ năm nay, nước không nhiều, đi cũng chỉ nhọc công.
Chúng tôi có dịp theo chân anh Nguyễn Văn Từ - ở H.Châu Phú, tỉnh An Giang - xuôi sông Tiền vớt lưới “12 cửa ngục”. Anh tự hào khi là nhóm người còn bám trụ với nghề đánh bắt cá, bởi số người sống với nghề cá trong xóm chài của anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do cá ít dần, cuộc sống chật vật nên hơn 70% ngư dân bỏ xuồng lên TP.HCM và Bình Dương để làm công nhân.
Canh con nước ròng cả đêm, đến gần 2g sáng, anh Từ lặn ngụp suốt ba giờ dưới dòng nước lạnh lẽo nhưng với hơn 20 lưới đặt từ sáng hôm trước, anh chỉ bắt được một ít cá bống, cá lau kiếng, vài con tép và không có con cá linh nào.
Sau một đêm thức trắng, tổng lượng cá anh bán cho thương lái chỉ được 260.000 đồng; trừ mọi chi phí xăng dầu, anh chỉ lãi 60.000 đồng. “Trước đây, nhiều cá lắm, tui làm nghề cá, nuôi được vợ con mà không cần làm thêm nghề gì. Năm nay nước về ít, không còn nhiều cá nữa. Lần này là nhiều lắm rồi đó nghen” - anh Từ nói. Để có cá bán ở một số sạp chợ, tiểu thương phải dặn ngư dân đánh bắt từ vùng thượng nguồn biên giới Việt Nam - Campuchia.
Chợ ở Sài Gòn lấy hàng từ Campuchia
Tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TPHCM) và một số chợ dân sinh ở nội thành TPHCM, những năm trước đây, khi miền Tây vào mùa lũ, những đặc sản như cá linh, tôm, cua, cá đồng hay bông điên điển, bông súng, rau nhút, kèo nèo… về rất nhiều với giá tương đối rẻ. Nhưng năm nay, theo tiểu thương các chợ, miền Tây gần như không có lũ, những nhóm hàng này cực kỳ khan hiếm. Nhiều mối chấp nhận thu mua với giá cao nhưng không có hàng. Nhiều chủ vựa ở chợ Bình Điền cho biết, lượng hàng về chỉ bằng 50-60% so với trước đây.
Chị Thủy - chủ vựa cá đồng lâu năm ở chợ Bình Điền - cho hay, hiếm nhất là các loài cá như cá linh, cá trê, trong khi tiểu thương chợ lẻ cứ liên tục gọi điện đặt hàng. Những loài bông đặc sản như điên điển, hẹ nước dù có, cũng không dồi dào. Bông súng, rau nhút về với số lượng ít, giá dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg.
Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TPHCM), hải sản vẫn dồi dào, nhưng cá đồng thưa thớt. Các tiểu thương cho biết, lượng cá về chợ mấy ngày gần đây giảm 20% so với tuần trước, các loài cá không còn đa dạng, hoặc không đạt chất lượng như ý muốn mà giá lại cao. “Mấy ngày gần đây, cua đồng có nhiều hơn, giá cũng giảm 20.000-30.000 đồng/kg, từ mức 120.000-130.000 đồng/kg còn 90.000-110.000 đồng/kg, nhưng cua từ Campuchia về nhiều hơn khiến giá rẻ chứ không phải hoàn toàn từ miền Tây” - một tiểu thương chợ này cho hay.
Một tiểu thương khác nói, chị phải đặt hàng từ sớm ở mối quen, mới lấy được lượng cá, lươn đồng đủ bán trong ngày. Có hôm, khách tới hỏi mua nhưng không còn hàng để bán.