TIN THỦY SẢN

Khan hiếm tôm khô Vinh Kim

Một hộ chế biến tôm khô Vinh Kim Đình Cảnh

Tôm khô Vinh Kim là đặc sản nổi tiếng chỉ có ở vùng đất Vinh Kim, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Tôm khô Vinh Kim được chế biến từ con tép bạc đất bắt trên sông nên thịt chắc, vị ngọt đậm đà. Tuy nhiên, nghề sản xuất tôm khô nơi đây đang thu hẹp dần bởi nguồn nguyên liệu khan hiếm.

Tép bạc ít dần

Cận tết vừa qua, tôm khô Vinh Kim không còn hàng để bán. Tại chợ Trà Vinh, giá tôm loại 1 lên đến 1,3 triệu đồng/kg, muốn có hàng phải đặt trước cả tuần. Bà Trần Thị Khâm, ấp Chà Và, xã Vinh Kim, có hơn 40 năm gắn bó với nghề chế biến tôm khô truyền thống, kể: “Trung bình mỗi ngày bà thu mua khoảng 300 - 400kg tép bạc đất từ các xã lân cận như Kim Hòa, Mỹ Hòa, Hiệp Hòa… và chế biến được 30-40kg tôm khô thành phẩm. Nhưng mấy năm rồi nguồn tép bạc sống trên đồng ruộng không còn nhiều nên cung không đủ cầu, từ đó xuất hiện tôm khô giả “đội lốt” thương hiệu Vinh Kim để bán ra thị trường”.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch UBND xã Vinh Kim cho biết: Những năm 2004 trở về trước, cứ đầu tháng tháng 12 âm lịch, người dân khai thác tôm bạc, tép bạc đất rất nhiều. Còn từ năm 2005 đến nay, sản lượng tôm, tép bạc ngày càng giảm đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất tôm khô thành phẩm. Nguyên nhân do phong trào đào ao nuôi tôm sú, thẻ chân trắng tự phát, nhiều diện tích ao nuôi tôm tự nhiên trước đây được người dân thay dần bằng các ao nuôi tôm công nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn lợi thủy sản cũng bị ảnh hưởng do các công trình thủy lợi ngăn mặn cộng với việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp… đã làm ảnh hưởng đến việc sinh sản của tép.

Cần phát triển diện tích nuôi “nhữ” tôm tự nhiên

Xã Vinh Kim có lợi thế nằm ở giữa 2 con sông lớn là Cổ Chiên và Cung Hầu được thiên nhiên ưu đãi. Với điều kiện tự nhiên 6 tháng nước ngọt và 6 tháng nước lợ nên rất thích nghi cho loài tép bạc đất sinh sản và phát triển. Hàng tháng, theo con nước ngày rằm và 30 âm lịch là thời điểm trên các cánh đồng Cà Tum, Chà Và, Ấp Rẫy… (xã Vinh Kim) có tép bạc đất xuất hiện và di cư về đồng rất nhiều. Đặc biệt, kể từ tháng 10 âm lịch khi gió chướng từ biển Đông thổi mạnh thì tép bạc đất về đồng nhiều hơn.

Vào thời điểm “hoàng kim”, trên địa bàn xã Vinh Kim có hơn 1.000 hộ dân khai thác tép bạc đất qua việc đầu tư lắp đặt cống bọng, đắp bờ bao xung quanh diện tích đất trồng lúa kết hợp nuôi “nhữ” tôm bạc, tép bạc đất tự nhiên vào sinh sống. Năm 2005, tổng sản lượng khai thác tôm, cá tự nhiên ở xã Vinh Kim đạt khoảng 600-700 tấn; trong số này tôm, tép bạc đất chiếm khoảng 40% - 45% sản lượng. Từ năm 2010 đến nay, sản lượng tôm, cá tự nhiên sụt giảm khá mạnh (50% - 60%).

Để bảo tồn thương hiệu tôm khô Vinh Kim, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cần quy hoạch mở rộng vùng khoanh nuôi, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên gắn với việc tổ chức lại sản xuất phù hợp với từng vùng sinh thái. Phát triển diện tích nuôi “nhữ” tôm cá tự nhiên truyền thống, tạo môi trường sinh thái thuận lợi cho tép bạc đất sinh sản trở lại.

Đình Cảnh Báo Sài Gòn Giải Phóng, 12/03/2016