Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển
Mặc dù cân đối ngân sách còn rất khó khăn nhưng Quốc hội vẫn quyết định dành 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân. Đây là một cố gắng lớn, hợp lòng dân. Tuy nhiên, nếu việc triển khai thực hiện chính sách chậm trễ sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.
Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2014/QH13 về sử dụng 16.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và giảm chi ngân sách trung ương năm 2013 để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư. Ngay sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, trong đó có chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ, gồm các chính sách tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, ưu đãi thuế. Nhờ có các chính sách này, ngân sách đầu tư cơ sở nghề cá được bố trí cao hơn, ngư dân có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đóng mới, nâng cấp các tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ hiện đại với thời hạn vay lên tới 11 năm, theo quy hoạch và phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản...
Mới đây, Đoàn công tác của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tiến hành khảo sát tại hai tỉnh Khánh Hòa và Quảng Ngãi. Tại Khánh Hòa, tỉnh đã phê duyệt danh sách 20 chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp 18 tàu vỏ sắt, tàu vỏ vật liệu mới composite, tàu vỏ gỗ bọc composite trong tổng số 160 tàu đóng mới được phân bổ, với tổng số tiền vay là 187 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ngãi được phân bổ số lượng tàu cá đóng mới là 189 tàu. Hiện tỉnh đã có 9 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ trên địa bàn. Đến nay, Quảng Ngãi đã phê duyệt danh sách 71 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia chính sách tín dụng để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay vốn đóng mới 65 tàu đóng mới, trong đó có 25 tàu vỏ thép, 35 tàu vỏ gỗ, 5 tàu vỏ composite và 6 tàu nâng cấp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các chi nhánh ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn và tích cực triển khai cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước đã cam kết bước đầu dành 14.000 tỷ đồng để cho vay chương trình. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có 779 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu. Tuy nhiên, việc phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu của các địa phương như vậy còn chậm...
Nghị định số 67 được xem là động lực mạnh mẽ giải quyết những khó khăn, tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển ngành thủy sản và các địa phương đã hết sức khẩn trương đưa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước phát triển kinh tế thủy sản vào cuộc sống. Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát, việc triển khai vẫn còn tương đối chậm nếu coi đây là một khoản ngân sách đặc biệt, được ban hành vào một thời điểm đặc biệt khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí nước sâu HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Đoàn công tác nhận thấy trong triển khai thực hiện đã có một số hướng dẫn chưa thật sự phù hợp với truyền thống và tập quán đi biển và ngư trường đánh bắt của từng địa phương nên kết quả thực hiện chính sách chưa đạt được như mong muốn.
Thêm vào đó, các thông tư, văn bản hướng dẫn của một số ngành cũng đặt ra nhiều điều kiện để ngư dân nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước cũng phần nào hạn chế các đối tượng được hỗ trợ, chưa thật sát với tinh thần của Nghị quyết số 72/2014/QH13 của QH, ảnh hưởng đến tiến độ ký kết và giải ngân cho vay đóng mới, nâng cấp tàu.
Hiện nay, hiều ngư dân băn khoăn về mẫu thiết kế tàu vỏ thép do Bộ NN&PTNT chưa phù hợp với thực tế nên buộc phải điều chỉnh lại. Điều này dẫn đến mất thời gian xin ý kiến đăng ký mẫu mới tại Tổng cục Thủy sản và làm chi phí đóng tàu vỏ thép theo mẫu mới cao hơn rất nhiều.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết vì lý do trên đây mà hiện nay Quảng Ninh chưa có tàu cá nào được vay vốn theo Nghị định 67. Ngoài ra, một số ngư dân phản ánh các cơ sở định giá con tàu đóng mới hơi cao; phần mềm thiết kế tàu chưa được cung cấp nên điều chỉnh thiết kế hoặc tính toán giá chưa có căn cứ. Do đó địa phương đề xuất các cơ sở đóng tàu cần cập nhật chi tiết phần mềm thiết kế và đưa giá hợp lý nhất.
Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng thời gian cho vay đóng tàu quá ngắn và giá trị con tàu quá lớn nên ngư dân cũng ngần ngại. Trong khi đó nhiều ngân hàng vẫn còn chần chừ, chưa quyết liệt cho vay dẫn đến chậm tiến độ của chính sách. Thời gian cho vay đóng tàu vỏ thép nên kéo dài 16 năm. Giá thành tàu thép gấp đôi so với tàu vỏ gỗ cùng công suất, trong khi đó sản lượng khai thác của tàu vỏ thép không hơn nhiều. Nếu để thời hạn vay 11 năm, ngư dân rất khó hoàn vốn, trả nợ.
Tại hội nghị sơ kết Nghị định 67/CP về phát triển thủy sản diễn ra vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách lâu dài. Về chính sách tín dụng, các ngân hàng xem xét mức vay theo nhu cầu và khả năng của ngư dân; kéo dài thời gian vay vốn; giảm dần lãi suất… Tinh thần là phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tự lựa chọn mẫu tàu, máy móc trang thiết bị, lựa chọn mức và thời hạn vay…
Tiến sỹ Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng: Phát triển thủy sản bền vững trong đó có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu đi biển công suất lớn, là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Các ngành liên quan cần có những điều chỉnh thích hợp để chinh sách sớm đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển sản xuất, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.