TIN THỦY SẢN

Khánh Hòa: Nhân rộng mô hình nuôi cá chép giòn

Kiểm tra cá chép giòn trong ao nuôi. P.Lâm

Được nuôi thử nghiệm từ năm 2017, đến nay cá chép giòn đang hứa hẹn là đối tượng nuôi mới góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Thử nghiệm nuôi cá chép giòn

Theo Kỹ sư Nguyễn Thị Hương Thảo - Trung tâm Khuyến nông, nuôi cá chép giòn là đề tài cấp cơ sở của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao trung tâm thực hiện. Mô hình lần đầu thử nghiệm tại Trại Thực nghiệm Suối Dầu (Cam Lâm) dưới 2 hình thức nuôi ao và nuôi giai (ô lưới), tổng diện tích 1.000m2. Cá chép giòn không phải là loài mới mà thực chất là cá chép nuôi qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 nuôi chế độ bình thường đạt trọng lượng thương phẩm 0,8 - 1,2kg/con. Giai đoạn 2 là giai đoạn nuôi giòn từ cá thương phẩm, thời gian 5 - 6 tháng cho cá ăn hạt đậu tằm đạt đến trọng lượng 1,5 - 1,6kg/con rồi xuất bán. Do sử dụng thức ăn chuyên dùng nên thịt cá săn chắc, dai, giòn, ít mỡ, phẩm chất thơm, ngon vượt trội, giá bán cao, thích hợp với chế biến các món ăn cao cấp. “Năm 2017, do hạn chế nguồn giống đầu vào, cá nhỏ nên tốc độ phát triển chậm. Một phần cá giảm ăn do thay đổi môi trường sống, chuyển ao, một phần thay đổi khẩu phần nên cá chậm lớn, 6 tháng chỉ đạt 1,5 - 1,6kg/con. Bù lại cá có chất lượng tốt, thịt săn chắc, giá bán 130.000 - 150.000 đồng/kg”, bà Thảo nói.

Năm 2018, trung tâm tiếp tục thử nghiệm tại Khánh Sơn. Ông Nguyễn Văn Bính (thị trấn Tô Hạp) - chủ mô hình cho biết: “Trung tâm chuyển giao 800 cá giống kích cỡ thương phẩm cách đây chừng 1 tháng. Tỷ lệ hao hụt qua vận chuyển, sinh trưởng khoảng 5%. Hàng ngày, tôi cung cấp cho chúng duy nhất 1 loại thức ăn là hạt đậu tằm do đơn vị chuyển giao. Nếu thuận lợi, khoảng 4 tháng nữa sẽ cho kết quả”.

Được biết, cá chép giòn xuất hiện tại Việt Nam thời gian gần đây, có chất lượng hơn hẳn cá nuôi thông thường. Nhiều nơi nuôi thành công như: An Giang, Lâm Đồng và các tỉnh phía bắc, tạo cơ hội mới cho nông dân phát triển kinh tế. Cá chép giòn trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người vì độ ngọt, dai, không tanh. Do thành phần thức ăn, đặc biệt là protein trong đậu tằm có fibrinozen làm thịt cá dai giòn, lipid chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nên lượng mỡ giảm, không còn vị tanh đặc trưng của cá nuôi.  

Sẽ nhân rộng

Việc lựa chọn mô hình cá chép giòn đưa vào thử nghiệm rất có ý nghĩa. Hiện nay, nhiều nơi trong nước nuôi thành công cá chép giòn, là mặt hàng xuất bán có giá trị. Tuy nhiên, việc nhập cá đầu vào tại Khánh Hòa còn khó khăn, chủ yếu từ phía bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương…, đi bằng đường hàng không nên giá vận chuyển cao, bình quân 20.000 - 25.000 đồng/kg. Khu vực miền núi Khánh Hòa có nhiều sông suối, ao hồ, thuận lợi nuôi thủy sản nước ngọt. Cá chép giòn cũng là đối tượng có thể nuôi bằng nhiều hình thức (ao, giai, bể) nên có thể nhân rộng. Với việc đưa vào nuôi đối tượng mới, phù hợp với chế biến thực phẩm cao cấp phục vụ khách du lịch sẽ là hướng đi mới, giúp nông dân tăng thêm thu nhập.  

Theo kế hoạch, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông sẽ tổ chức thêm 1 mô hình nuôi cá chép giòn tại Ninh Hòa nhằm giúp các nhà chuyên môn có đánh giá chính xác hơn về sự phát triển của đối tượng nuôi này tại các địa phương. Qua đó, khuyến cáo kỹ thuật nuôi phù hợp, định hướng cho nghề nuôi phát triển.

P.Lâm Báo Khánh Hòa