Khẩu phần ăn nuôi vỗ cá chuối hoa
Mới đây các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu xây dựng kỹ thuật sinh sản cá chuối hoa trong điều kiện nhân tạo, nhằm duy trì nguồn lợi loài cũng như tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Cá Chuối hoa (Channa maculata Lacepède, 1801) là loài cá xương, thuộc họ cá quả (Channidae) có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao, phân bố tại các thủy vực nước ngọt tại Việt Nam. Cá có triển vọng là đối tượng nuôi xuất khẩu và được nuôi phổ biến ở các tỉnh phía Bắc cho tới Thanh Hoá (Nguyễn Thái Tự, 1983). Giống cá khoẻ, rất dễ nuôi, phát triển nhanh, tỉ lệ sống cao, cá 1 năm tuổi đạt 0,5kg và có thể đạt tới 10 - 12kg/con. Hiện nay, cá Chuối hoa là loài nằm trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Cá Chuối hoa cũng được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam với mức phân hạng nguy cấp.
Đây là loài cá quý hiếm cần được bảo vệ, đồng thời cần có những nghiên cứu để biến thành đối tượng nuôi và đưa vào sản xuất. Trước thực trạng về nguồn lợi cá đã bị giảm sút nghiêm trọng ngoài tự nhiên, việc nhanh chóng phục hồi nguồn lợi thông qua nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Chuối hoa có ý nghĩa thực tiễn cao. Vì vậy, việc nghiên cứu về thức ăn và khẩu phần ăn cho cá chuối hoa bố mẹ là rất cần thiết, góp phần xây dựng kỹ thuật sản xuất cá chuối hoa giống từ đó vừa chủ động nguồn giống phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm, vừa hạn chế đánh bắt ngoài tự nhiên.
Phương pháp thí nghiệm
Thí nghiệm 1: Ảnh hưởng của các loại thức ăn cho cá bố mẹ lên khả năng sinh sản, chất lượng trứng và cá bột
Cá bố mẹ có khối lượng trung bình 0,85 kg được nuôi với mật độ thả là 24 con/giai (tương đương 2 con/m²), tỷ lệ đực:cái là 1:1,5
- NT1 cho ăn 100% cá tạp
- NT2 cho ăn 50% cá tạp : 50% thức ăn viên công nghiệp (TAVCN)
- NT3 cho ăn 100% thức ăn công nghiệp
Cá bố mẹ sau khi cho ăn thức ăn thí nghiệm với tỷ lệ phối hợp như trên trong 1 tháng bắt đầu kiểm tra mức độ thành thục và tiêm hormone kích thích sinh sản với liều 3.500 IU HCG/kg cá cái. Cá đực liều lượng bằng ½ cá cái.
Thí nghiệm 2: Ảnh hưởng của khẩu phần ăn của cá bố mẹ lên khả năng sinh sản, chất lượng trứng và cá bột.
Cá bố mẹ có khối lượng trung bình 0,65 kg được bố trí tương tự với thí nghiệm 1. Mỗi nghiệm thức cho đẻ lặp lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 30-35 ngày. Thức ăn cho cá bố mẹ là cá tạp và cho ăn với khẩu phần như sau:
- NT1: cho ăn với khẩu phần 5% khối lượng thân
- NT2: cho ăn với khẩu phần 7% khối lượng thân
- NT3: cho ăn với khẩu phần 9% khối lượng thân
- NT4: cho ăn với khẩu phần 11 % khối lượng thân
Kết quả
Cá bố mẹ cho ăn bằng thức ăn là cá tạp đạt tỷ lệ thành thục cao nhất (82,26 ± 5,23) nhưng không sai khác so với cá bố mẹ cho ăn bằng cá tạp kết hợp với TAVCN (81,76 ± 6,35).
Sức sinh sản của cá cao nhất ở các nghiệm thức cho ăn cá tạp kết hợp với TAVCN và cao hơn so với sức sinh sản của cá chuối hoa ngoài tự nhiên (14.756 trứng/kg cá).
Việc kết hợp cá tạp với thức ăn vien công nghiệp trong khẩu phần ăn của cá bố mẹ có cải thiện đáng kể tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ trứng nổi và tỷ lệ nở góp phần chủ động hơn trong việc cung cấp thức ăn cho cá bố mẹ tạp (lần lượt tỷ lệ thụ tinh là 82,54%, tỷ lệ trứng nổi 91,4% và tỷ lệ nở là 83,54%).
Kết quả nghiên cứu đã xác định được chế độ cho ăn trong nuôi vỗ cá bố mẹ góp phần nâng cao sức sinh sản, chất lượng trứng và cá bột. Thức ăn nuôi vỗ cá bố mẹ 50% cá tạp kết hợp với 50% thức ăn viên công nghiệp và khẩu phần thức ăn cho cá bố mẹ với tỷ lệ cho ăn 9% khối lượng thân là phù hợp để cải thiện chất lượng sinh sản của cá chuối hoa.
Các công trình nghiên cứu về cá chuối hoa trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa nhiều, chỉ mới dừng lại ở phân loại và bước đầu cho sinh sản nhân tạo. Tuy nhiên, chưa đề cập nhiều đến vấn đề nuôi vỗ cá bố mẹ. Do đó, nghiên cứu này bước đầu hình thành các cơ sở khoa học về kỹ thuật nuôi vỗ, thành phần thức ăn và liều lượng cho ăn góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất giống và đảm bảo chất lượng ấu trùng, cũng như giữ được nguồn gen quý hiếm, tăng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao trong tập đoàn cá nước ngọt Việt Nam.
Theo Tạ Thị Bình và ctv - Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản