Khởi động mùa tôm mới
Năm nay, độ mặn về sớm tại hầu hết các vùng nuôi và giá tôm luôn ở mức cao, nên dù vẫn còn tiềm ẩn không ít rủi ro từ dịch Covid-19, người nuôi ở Sóc Trăng nói riêng và trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung đều hăm hở chuẩn bị ao nuôi để bước vào vụ nuôi mới với kỳ vọng sẽ trúng mùa, trúng giá.
Tại Sóc Trăng, ngay từ đầu năm 2021, độ mặn đã bắt đầu tăng tại một số vùng nuôi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của chi cục thủy sản địa phương, hầu hết người nuôi chỉ tập trung cho việc cải tạo ao, chỉ một số ít mô hình nuôi ao nổi, ao lót bạt đáy là thả nuôi. Vì vậy, đến ngày 23-3, toàn tỉnh chỉ mới thả giống gần 4.000ha và đã có một số diện tích được thu hoạch với hiệu quả rất cao. Theo dự báo, việc thả giống rộ đợt đầu sẽ bắt đầu từ cuối tháng 3 và rải đều trong suốt khung lịch thời vụ do ngành nông nghiệp tỉnh ban hành. Đây cũng chính là biện pháp rải vụ trong khung lịch thời vụ, đã giúp nghề nuôi tôm Sóc Trăng gặt hái được thành công liên tiếp 4 năm gần đây.
Chia sẻ về tình hình vụ tôm nước lợ năm nay, ông Huỳnh Ngọc Nhã – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: “Người nuôi tôm đang rất phấn khởi với giá tôm từ đầu năm đến nay và cùng với đó là các yếu tố thời tiết, môi trường cũng khá thuận lợi, nên người nuôi đang rất tự tin bước vào vụ nuôi mới này. Đối với Sóc Trăng, thường người nuôi không thả nuôi tập trung, mà chỉ thả nuôi thăm dò, khi thấy điều kiện thật sự thuận lợi mới bắt đầu thả nuôi hết diện tích. Năm nay, kế hoạch của tỉnh đề ra chỉ 51.000ha và sản lượng 172.000 tấn, nhưng nhiều khả năng sản lượng sẽ vượt chỉ tiêu này vì hiện có nhiều hộ nuôi bắt đầu chuyển đổi sang nuôi mô hình ao nổi có tỷ lệ thành công và năng suất rất cao”.
Khác với không khí nhộn nhịp, sôi động của mùa vụ tôm ở các tỉnh vùng Bán đảo Cà Mau, như: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, người nuôi tôm ở Sóc Trăng vẫn chưa có gì phải vội dù giá tôm tuy có giảm đôi chút nhưng vẫn còn khá hấp dẫn. Đây là sự khác biệt lớn của nghề nuôi tôm ở Sóc Trăng với phần còn lại của khu vực ĐBSCL và cũng chính sự khác biệt này đã đưa Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh có sản lượng tôm lớn trong khu vực, dù diện tích thả nuôi chỉ bằng 1/4 - 1/3 so với 3 tỉnh trên. Sự khác biệt đó đến từ việc phần lớn diện tích nuôi tôm ở Sóc Trăng được nuôi theo mô hình thâm canh và bán thâm canh, chỉ một số ít nuôi quảng canh cải tiến, cùng với đó là ý thức chấp hành khung lịch thời vụ, cập nhật kết quả quan trắc môi trường của người nuôi…
Diễn biến mùa tôm trong 3 tháng đầu năm đang diễn ra đúng như mong đợi với nhiều yếu tố thuận lợi: giá tôm cao, độ mặn không quá cao và quá nhanh, thời tiết tương đối ổn định… Ngay cả những lứa tôm thả nuôi trước Tết Nguyên đán tuy giai đoạn đầu phát triển hơi chậm vì thời tiết lạnh nhiều, nhưng cũng đã bắt đầu tăng trọng nhanh từ tháng 3 tới nay và một số đã cho thu hoạch đạt năng suất cao, số chuẩn bị thu hoạch trong tháng 4 tới cũng đang phát triển rất tốt. Trong tháng 3, người viết có dịp đến tham quan một số mô hình nuôi ao nổi ở Cù Lao Dung, Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú, đều thấy một đáp án chung là trúng mùa và lợi nhuận cao. Hay như tại trang trại nuôi với khoảng 200 ao của Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam ở vùng nuôi Mỹ Thanh dự kiến sẽ cho thu hoạch từ tháng 4 tới với sản lượng ước tính cả ngàn tấn tôm thương phẩm.
Không khí vụ nuôi tôm mới ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL như: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh… đang diễn ra khá sôi động ngay từ những tháng đầu năm nay. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, đối với diện tích nuôi quảng canh gần như được nuôi quanh năm, còn gần 154.000ha nuôi tôm quảng canh cải tiến theo kế hoạch tỉnh Cà Mau đã cơ bản thả giống xong. Riêng diện tích nuôi thâm canh và siêu thâm canh khoảng 11.000ha cũng đã thả giống khoảng 60%. Tỉnh Kiên Giang cũng đã thả giống xong 136.000ha tôm – lúa, tôm quảng canh và quảng canh cải tiến. Riêng 4.000ha diện tích nuôi thâm canh theo kế hoạch cũng đã được thả giống khoảng 1.000ha, tập trung chủ yếu tại huyện Kiên Lương, Giang Thành và TP. Hà Tiên.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, nơi được mệnh danh là thủ phủ tôm cả nước, tiến độ thả giống tôm nước lợ năm nay nhìn chung cũng khá nhanh. Chỉ mới trung tuần tháng 2, nông dân tỉnh Bạc Liêu đã thả giống là 92.706ha, trong đó có 3.008ha nuôi thâm canh, bán thâm canh, tôm sú 1.235ha, tôm thẻ 1.773ha và nuôi quảng canh cải tiến 89.698ha. Với mức lợi nhuận trên 1 tỉ đồng/ha đối với mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh và trên 800 triệu đồng/ha đối với nuôi thâm canh nên dự báo mô hình này sẽ phát triển mạnh trong vụ nuôi năm 2021 này.
Giá tôm gần đây tuy có giảm nhẹ đôi chút nhưng vẫn còn ở mức đảm bảo cho người nuôi có được lợi nhuận cao, cùng với diễn biến thời tiết, môi trường thuận lợi đã và đang đẩy tiến độ thả tôm ở các tỉnh ĐBSCL nhanh hơn. Tuy nhiên, với việc giá thức ăn tôm của hầu hết các thương hiệu lớn đều đã tăng (khoảng 1.500 đồng/kg) từ tháng 2 đã khiến người nuôi có đôi chút đắn đo vì chưa biết giá tôm có thể giữ vững đến khi thu hoạch chính vụ hay không. Và dù chưa thể nói trước được điều gì nhưng với sự phát triển khá thuận lợi của những diện tích đã thả tôm, cùng những mô hình có tỷ lệ nuôi thành công cao, người nuôi đang rất kỳ vọng sẽ có một mùa tôm bội thu về năng suất và bán được mức giá cao.