Khốn đốn vì cá tầm nhập lậu
Những năm gần đây, cá tầm được nuôi phổ biến tại nhiều tỉnh thành cả nước, trở thành nguồn lợi kinh tế cho ngành Thủy sản. Nhiều hộ, doanh nghiệp chuyên canh đã giàu lên nhanh chóng từ con cá tầm. Tuy nhiên, từ hơn một năm trở lại đây, cá tầm liên tục bị rớt giá thê thảm. Từ chỗ 600.000đ/kg giờ chỉ còn dưới 200.000đ/kg. Nguyên nhân không phải vì phẩm cấp cá, không phải là thực phẩm đã nhàm mà do cá tầm Trung Quốc qua đường nhập lậu.
Một đối tượng buôn cá tầm ở Móng Cái vô tình tiết lộ, giá mua ở Trung Quốc chỉ chừng 50.000đ/kg. Nhưng nếu đặt cọc mua thường xuyên, số lượng lớn giá sẽ còn rẻ nữa. Từ Trung Quốc vận chuyển qua khỏi khu vực kiểm soát biên giới, bán giao cho các đầu mối ở Việt Nam chỉ mất thêm chừng 100.000đ/kg. Nghĩa là chỉ bằng 1/2 so với cá nội địa.
Theo ghi nhận của PV, cá tầm từ Trung Quốc nhập về Việt Nam theo hai đường, tiểu ngạch và nhập lậu qua các tỉnh có cửa khẩu thông thương như Tân Thanh, Hữu Nghị, Đồng Đăng (Lạng Sơn); Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Móng Cái (Quảng Ninh); Lào Cai (tỉnh Lào Cai); Tà Lùng (Cao Bằng)... Song, nhiều nhất vẫn là khu vực Móng Cái. Kể cả nhập qua đường tiểu ngạch thì điều kiện cũng khá dễ dàng vì cá tầm không thuộc đối tượng kiểm dịch, thuế suất thấp. Tuy nhiên, theo Chi cục Hải quan Móng Cái, số lượng nhập khẩu cá tầm theo các tờ khai rất lác đác, số lượng chỉ mang tính... “tượng trưng”. Còn lại chủ yếu là nhập lậu qua đường biên để nâng tối đa lợi nhuận.
Cũng đã có thông tin cá tầm Trung Quốc mang theo mầm bệnh gây khốn đốn cho nghề nuôi trong nước. Theo ông Vương Trọng Dũng, Đội trưởng kiểm soát, Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến (Móng Cái), vào mùa lạnh, cá tầm với đặc điểm sống rất khỏe trong điều kiện khắc nghiệt thường được chứa trong các thùng xốp, vận chuyển nhỏ lẻ qua biên giới, phân tán ở nhà dân, kho hàng dọc đường biên. Sau đó được chủ hàng thuê xe ôm vận chuyển theo các lối để trốn tránh lực lượng chức năng.
Ngoài ra, cá tầm còn có thể được nhập theo đường sông và cũng với phương thức phân tán, nhỏ lẻ. Dù phương thức nào thì đối tượng nhập vẫn kiên nhẫn chờ đợi thời điểm tuyệt đối an toàn mới đưa cá đến địa điểm tập kết bên ngoài vành đai biên giới rồi mới chuyển lên ôtô đem đi tiêu thụ. Lúc này, dù các lực lượng kiểm soát trên đường có phát hiện thì cũng bó tay vì không tài nào phân biệt đâu là cá tầm Trung Quốc, đâu là cá Việt Nam.
Ông Dũng cho biết thêm, cũng có nhiều trường hợp xe ôm thồ cá qua trạm với số lượng ít, nhỏ lẻ, mỗi lần chừng mươi mười lăm con, nói rằng giao cho các nhà hàng. Biết cá lậu song rất khó xử lý.
Mùa cá tầm "trẩy hội" qua biên giới sắp đến. Ngành Thủy sản trong nước và người tiêu dùng đang đặt hy vọng vào sự ra tay quyết liệt của các ngành chức năng. Trước hết, cần tái phục hồi quy định kiểm dịch thú y đối với thủy sản nhập khẩu dù là hàng đông lạnh hay tươi sống. Thứ hai, đề nghị Bộ chủ quản cần có hướng dẫn cụ thể trong việc phát hiện, phân biệt được cá tầm Trung Quốc và Việt Nam.
Đặc biệt, các đơn vị giám sát hàng hóa XNK, kiểm soát đường biên cần tăng cường hơn nữa các hoạt động phòng chống buôn lậu - gian lận thương mại riêng cho ngành hàng đặc biệt: cá tầm Trung Quốc