Không cần giải cứu, cá mú ở đây bán 1 con lời 150.000 đồng
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã An Ngãi (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tận dụng nguồn nước mặn chảy vào từ sông Cửa Lấp để nuôi các loại thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi cá mú đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong số các hộ nông dân nuôi cá mú ở xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nuôi cá mú thành công là hộ ông Phạm Văn Hai. Gia đình ông Hai cho thu nhập mỗi năm hơn 250 triệu đồng từ nuôi cá mú đặc sản.
Sau nhiều năm chật vật nuôi tôm nước mặn nhưng lợi nhuận thu được không đáng là bao, ông Phạm Văn Hai (SN 1960, ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chuyển đổi sang mô hình nuôi cá mú. Đây là loài cá nước mặn và là một trong những loài cá đặc sản.
Hiện ông đang thả hơn 1.000 con cá mú giống từ nguồn Trung tâm khuyến nông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ (giá bán cá mú giống là 32.000 đồng/con). Ngoài ra Trung tâm còn hỗ trợ 50% thức ăn trong 10 tháng nuôi.
Ông Hai cho biết, trước đây gia đình ông nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Thời gian đầu gặp thuận lợi, nuôi đâu trúng đấy. Nhưng rồi nhiều vụ tôm sau này bị thất bại. Nguyên nhân là tôm thường xuyên bị dịch bệnh do nguồn nước ô nhiễm, cứ mỗi lần như vậy lại khiến gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn.
“Tôi được tham quan các mô hình nuôi cá mú trong ao đất ở các tỉnh Bình Thuận, tỉnh Ninh Thuận… tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước mặn do tỉnh, huyện tổ chức. Qua đó, tôi nhận thấy nuôi cá mú không khó, chỉ cần chăm sóc, cho cá ăn và mua giống tốt thì khả năng thành công rất cao, khoảng 10 tháng có thể thu hoạch...", ông Hai cho biết.
Theo ông Hai, so với một số loài thủy sản khác, cá mú có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lại lớn nên gia đình ông quyết định chuyển sang nuôi cá mú đặc sản.
Năm 2006, thời gian đầu ông Hai chỉ nuôi thử nghiệm với số lượng gần 1.000 con cá mú trên diện tích ao khoảng 1.000m2. Khi cá mú đạt trọng lượng từ 1-1,5kg/con thì xuất bán. Hiệu quả kinh tế từ nuôi cá mú mang lại khá bất ngờ không chỉ với ông Hai mà với nhiều hộ xung quanh.
Thấy việc nuôi cá mú đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Hai tiếp tục đầu tư vốn, mở rộng quy mô lên 4 ao nuôi, khoảng 4.000m2, thả hơn 4.000 con cá mú giống.
Cũng từ đó cho đến nay, chưa năm nào ông Hai nuôi cá mú bị thất bại. Từ khu ao nuôi tôm thất bát năm xưa, giờ đây năm nào ông Hai cũng có từ 3 - 4 tấn cá mú thương phẩm để bán.
Ông Hai luôn có nguồn cá mú thương phẩm khá dồi dào, với trọng lượng từ 1,5-2kg/con, khách có nhu cầu là ông bắt cá và giao hàng ngay.
Theo tính toán của ông Hai, nuôi một con cá mú đạt trọng lượng từ 1,5kg trở lên sẽ tốn khoảng 60 ngàn đồng chi phí thức ăn. Giá cá mú thương phẩm hiện nay dao động từ 180-220 ngàn đồng/kg, sau khi trừ tiền mua con giống, thuốc thang, thức ăn… có lãi khoảng 150 ngàn đồng/con.
Ông Hai cho biết, bí quyết nuôi cá mú ngon, bán được giá, là luôn phải bảo đảm độ mặn và vệ sinh môi trường nước. Loài cá này có thể sống ở nồng độ muối 5/1.000, xuống quá ngưỡng đó cá sẽ chết.
Vào mùa mưa như hiện nay, độ mặn trong ao giảm, do đó, sau mỗi cơn mưa cần phải điều chỉnh lại độ mặn trong ao nuôi, để cá mú sinh trưởng tốt. Và quan trọng nhất là nguồn nước phải được ra - vào thường xuyên.
Để giảm chi phí mua thức ăn công nghiệp, sáng nào vợ ông Hai cũng chạy xe máy ra chợ Long Hải mua cá tạp (khoảng 10 ngàn đồng/kg) về băm nhỏ cho cá mú ăn.
Theo ông Hai, với việc tận dụng thức ăn từ cá tạp, chi phí sản xuất giảm khoảng 20 triệu đồng/năm; từ khi nuôi cá mú, chưa năm nào gia đình ông gặp cảnh giá cá tụt dốc, chưa năm nào dội chợ bán ế; thậm chí, cá mú chưa kịp lớn, thương lái đã đến tận ao đặt cọc tiền.
Ông Trang Thanh Liêm, công chức phụ trách Nông nghiệp xã An Ngãi, huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, trước đây tỷ lệ hao hụt cá giống khá cao, chiếm gần 50%, do cá mú giống được thu gom ngoài tự nhiên, con lớn, con nhỏ rất khó để chung trong ao nuôi.
Nay bà con đã mua cá mú giống tại các trung tâm cung cấp giống thủy sản uy tín, hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt. Thức ăn cho cá cũng đảm bảo chất lượng nên hiệu quả nuôi cá mú đạt cao.
Mô hình nuôi cá mú thương phẩm trên ao đất thành công, điển hình như hộ ông Phạm Văn Hai hiện đang được địa phương khuyến khích nhân rộng, nhằm thay thế cho những mô hình nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả, bà Lê Thị Hoàng Oanh, Quyền Chủ tịch UBND xã An Ngãi, huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh.