TIN THỦY SẢN

Khuyến cáo cho nuôi tôm nước lợ 2019 ở Sóc Trăng

Cải tạo ao chuẩn bị cho vụ nuôi tôm 2019. Ngọc Thơ - Quốc Việt

Để chuẩn bị tốt cho vụ tôm 2019 trung tâm khuyến nông Sóc Trăng đưa ra một số khuyến cáo sau:

Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2018 khép lại với diện tích thả nuôi trên 56.000 ha. Trong đó, diện tích nuôi theo mô hình thâm canh và bán thâm canh 49.435 ha. Tổng sản lượng tôm nước lợ là 134.000 tấn, đạt 121% so với kế hoạch. Mặc dù năm qua, thời tiết bất lợi, dịch bệnh trên tôm bộc phát mạnh, giá tôm nguyên liệu giảm, nhưng tỉnh vẫn đạt kế hoạch đề ra. Yếu tố thành công của nghề nuôi tôm nước lợ tại tỉnh Sóc Trăng đó chính là sự nỗ lực trong công tác quản lý của các cấp, các ngành và sự cần mẫn trong sản xuất, ứng dụng theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn của bà con nuôi tôm. Ngoài ra, một yếu tố thành công nữa phải kể đến, đó chính là quản lý nuôi tôm theo mùa vụ. Đối với tỉnh Sóc Trăng, lịch mùa vụ được bắt đầu áp dụng từ năm 2010 cho đến nay và được điều chỉnh chi tiết, linh hoạt  hơn qua các năm để ứng phó với điều kiện bất lợi về thời tiết và dịch bệnh. 


Nghề nuôi tôm nước lợ là một trong những thế mạnh kinh tế của tỉnh Sóc Trăng.

Trong những năm qua,  khung lịch thời vụ được chính quyền địa phương đánh giá cao và người nuôi tôm rất quan tâm. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2019, hạn chế thấp nhất diện tích thiệt hại và đạt kế hoạch đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo lịch thả giống vụ nuôi tôm nước lợ năm 2019: Bắt đầu từ ngày 15/1/2019 và sẽ kết thúc vào ngày 30/9/2019. Đây là thời điểm có khả năng xảy ra các hiện tượng nắng nóng, xâm nhập mặn, do đó, đối với các vùng, cơ sở nuôi, hộ nuôi không đáp ứng đủ các điều kiện nuôi và nhất là không chủ động được nguồn nước, để hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng và các yếu tố môi trường bất lợi thì không nên thả nuôi. Đồng thời, ngành sẽ thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến tình hình nuôi, môi trường thời tiết và cảnh báo dịch bệnh. Trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh lịch thả giống cho phù hợp với điều kiện sản xuất

Bà Phan Bạch Vân, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: "Tôm thẻ chân trắng được thả nuôi suốt thời gian nêu trên, riêng đối với tôm sú thả giống bắt đầu từ 1/4/2019 và kết thúc vào ngày 30/8/2019, đặc biệt Sóc Trăng mình vẫn duy trì mô hình tôm - lúa và phải kết thúc việc thả nuôi cũng như thu hoạch tôm trước 30/9 để đảm bảo tiến độ. Đối với khung lịch nêu trên, chúng tôi lưu ý đối với những cơ sở là công ty, doanh nghiệp và trang trại đảm bảo đủ điều kiện về mặt cơ sở hạ tầng, có điều kiện quản lý nước tốt, áp dụng những mô hình tiến bộ, ứng dụng công nghệ cao thì có thể thả giống khi điều kiện phù hợp. Riêng đối với những cơ sở, hộ nuôi nhỏ, không đảm bảo về mặt quản lý kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cũng như không chủ động được nguồn nước thì phải hết sức lưu ý chọn lựa thời điểm thả nuôi tốt nhất. Ngoài ra, bà con cần lưu ý, thời điểm nắng nóng vào tháng 3, tháng 4, thời tiết bất lợi dễ phát sinh các bệnh về gan tụy, đặc biệt, giai đoạn tháng 7, tháng 8 sẽ rơi vào thời điểm mưa dầm. Để chuẩn bị bắt đầu vụ nuôi mới, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con làm tốt công tác chuẩn bị, đặc biệt là công tác cải tạo, trong thời gian này có thể lựa chọn con giống chất lượng, những cơ sở cung cấp vật tư uy tín, giá thành tốt hoặc là ứng dụng những mô hình hiệu quả, đặc biệt vẫn duy trì hình thức nuôi rải vụ thăm dò tình hình thời tiết và dịch bệnh trong điều kiện sản xuất mới". 

Căn cứ theo lịch thời vụ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cũng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng khung lịch thời vụ riêng. Trong đó, sẽ đảm bảo cơ cấu một vụ tôm, một vụ lúa. Theo ông Tăng Thanh Chí, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên, thì: "Để thực hiện vụ nuôi tôm 2019 được thành công, chúng tôi cũng sẽ tăng cường cử cán bộ xuống tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm như giai đoạn cải tạo ao, giai đoạn tôm 1 tháng tuổi. Cùng những lưu ý về điều kiện thời tiết, môi trường để tổ chức hội thảo đầu bờ, tăng cường kiểm tra để đảm bảo con giống tốt và vật tư đảm bảo chất lượng để bà con nuôi đạt năng suất".

Ở Sóc Trăng, quy trình nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi 2 giai đoạn ngày càng được mở rộng. Đối với quy trình này, người nuôi đầu tư cho công trình ao nuôi rất hoàn thiện, ứng dụng kỹ thuật rất tốt nên tỉ lệ thành công cao, hạn chế những yếu tố tác động bất lợi. Ở các vùng nuôi thuận lợi như Cù Lao Dung, Trần Đề, Long Phú, một số vùng nuôi của thị xã Vĩnh Châu thì tỉ lệ thành công cao, quy trình nuôi thâm canh phát huy hiệu quả. Vùng nuôi tôm theo quy trình bán thâm canh lớn của Sóc Trăng là Vĩnh Châu và Mỹ Xuyên. Năm 2018, vùng nuôi bán thâm canh này cũng  đạt kết quả cao, bà con có điều kiện chuẩn bị cho mùa vụ mới. Với vụ nuôi năm 2019, HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A đã sẵn sàng với phương án sản xuất của mình. Bên cạnh quy trình nuôi 2 giai đoạn, hợp tác xã tiếp tục triển khai mô hình nuôi phủ bạc đã được thử nghiệm thành công trong năm 2018 với diện tích 3.600 mét vuông, đạt sản lượng gần 22 tấn. Ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX  Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: "Hằng năm HTX chúng tôi đã làm rất tốt việc tuân thủ lịch thời vụ của tỉnh cũng như của huyện. Đối với năm 2019 này, tiếp nhận được lịch thời vụ, chúng tôi về sẽ triển khai lại cho các thành viên HTX để vụ nuôi được kết quả cao. Chuẩn bị cho vụ nuôi năm 2019, thời gian này, thành viên trong HTX đang cải tạo diện tích ao nuôi. Năm nay, đối với HTX chúng tôi sẽ phát động thêm 7 ao nuôi lót bạc, nâng tổng số ao nuôi lót bạc lên 10 ao. Tôi thấy nuôi ao lót bạc có cái lợi thế là nếu tôm bệnh thì trong diện tích nhỏ sẽ dễ trị hơn, trong ao bạc nuôi tôm thẻ, nếu con nào chết thì mình rút ra, những con còn lại vẫn lớn và phát triển bình thường".


Mô hình nuôi tôm phủ bạc ở HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, huyện Mỹ Xuyên. 

Sóc Trăng là vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước, nghề nuôi tôm đã mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho người nuôi và phát triển công nghiệp chế biến xuất khẩu, giá trị lĩnh vực thủy sản chiến trên 50% GDP của tỉnh. Thành công của ngưởi nuôi sẽ góp phần cho tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà. Ngoài yếu tố chủ quan của người nuôi, nghề này chịu nhiều tác động của thời tiết, khí hậu, do vậy mà tuân thủ đúng lịch thời vụ, đầu tư tốt cho công trình ao nuôi, quy trình kỹ thuật sẽ giảm được rủi ro trong quá trình nuôi tôm.

Ngọc Thơ - Quốc Việt Báo Sóc Trăng