TIN THỦY SẢN

Kiểm tra chuyên ngành chiếm 80% thời gian thông quan

Tạ Hà

Sáng ngày 29/10/2015, Bộ Tài chính đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2015 với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp (DN) khu vực phía Bắc. Hội nghị tập trung vào 2 vấn đề chính là: thông tin, phổ biến những điểm mới về pháp luật thuế, hải quan từ tháng 10/2014 đến nay và giải đáp các khó khăn, vướng mắc của DN về chính sách, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.

Theo Tổng cục thuế, tính đến ngày 20/10/2015, hệ thống khai thuế điện tử đã triển khai cho 63 tỉnh, thành phố với trên 506.000 DN, đạt tỷ lệ 98,95% so với tổng số DN đang hoạt động thực hiện khai thuế qua mạng. Một số Cục Thuế đạt tỷ lệ cao như: Cục Thuế TP Đà Nẵng: 100%, Cục Thuế TP Hà Nội: 99%, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh: 99%.

Đến hết tháng 10/2015, triển khai nộp thuế điện tử đã đạt được các kết quả cụ thể như sau: Tổng số DN đã đăng ký nộp thuế điện tử qua cổng của TCT là: 457.504 DN đạt trên 90% DN đang hoạt động.  Một số Cục Thuế đã đạt kế hoạch 90% số DN đăng ký sử dụng dịch vụ như: Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An, Bắc Ninh … Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, Tổng cục Thuế đang tiếp tục đưa thêm ứng dụng CNTT vào lĩnh vực thuế.

Luật Hải quan năm 2014 đã được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014. Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai thi hành Luật. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các Nghị định, Quyết định và Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật.

Theo đại diện của Tổng cục Hải quan Ông Vũ Ngọc Anh – Phó Tổng cục trưởng,  các văn bản quy phạm pháp luật triển khai thi hành Luật Hải quan hướng dẫn chi tiết thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh được ban hành năm 2015 bao gồm: 01 Nghị định của Chính phủ, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 12 Thông tư của Bộ Tài chính.

Tính đến tháng 10/2015, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối để thực hiện thủ tục hành chính của 09 Bộ bao gồm: Bộ Tài chính (thủ tục thông quan hàng hóa), Bộ Công Thương (03 thủ tục), Bộ Giao thông vận tải (07 thủ tục), Bộ NN và PTNT (03 thủ tục), Bộ Tài nguyên và Môi trường (01 thủ tục), Bộ Y tế (02 thủ tục), Bộ Khoa học và Công nghệ (01 thủ tục), Bộ Thông tin và Truyền thông (01 thủ tục), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (01 thủ tục).

Việt Nam đã hoàn thành xây dựng và ký kết Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN. Từ 17/8/2015 tới tháng 10/2015, Việt Nam đã lần lượt kết nối kỹ thuật và trao đổi Chứng nhận xuất xứ mẫu D với Cơ chế một cửa quốc gia của các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Đến cuối 2015, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ hoàn tất kết nối kỹ thuật để sẵn sàng kết nối vào tháng 12/2015.

Trong phiên đối thoại, rất nhiều đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đặt câu hỏi phản ánh những vướng mắc về lĩnh vực thuế, hải quan như: việc hoàn thuế GTGT, hoạt động kiểm tra chuyên ngành ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa XNK… Cộng đồng DN kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần giảm bớt thủ tục giấy tờ không cần thiết cho DN.

Tại hội nghị, thay mặt Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đồng tình với ý kiến của nhiều DN về hoạt động kiểm tra chuyên ngành ATVSTP đang vừa gây phiền hà, vừa mất nhiều thời gian, tăng thời gian thông quan. Có đến 38% lô hàng XNK/7 triệu tờ khai chịu sự kiểm tra tiêu chuẩn CL, ATVSTP. Việc kiểm tra này là đúng, cần thiết nhưng so với khu vực và thế giới tỷ lệ này cao nhưng hiệu quả thu được còn chưa được người dân, DN yên tâm. Quy trình, cơ chế thực hiện chưa phù hợp với kinh tế thị trường do vậy vừa tăng thêm chi phí, tăng thêm thời gian của DN nhưng chưa đảm bảo về hiệu quả và chất lượng thực hiện. Thời gian kiểm tra thông quan chỉ 2% nhưng thời gian lưu kho, lưu bãi để kiểm tra chuyên ngành đến 80%, trước là 72% (tăng 8%).

Tạ Hà Vasep, 30/10/2015