Kiên Giang: Phát triển nuôi cá lồng biển theo chuỗi liên kết sản xuất
Nuôi thủy sản ven biển, ven đảo năm 2017 phát triển mạnh, đặc biệt là nuôi cá lồng bè, đối tượng nuôi chính là cá bóp và cá mú. Tổng số lồng nuôi 2.848 lồng, sản lượng 2.720 tấn đạt 118% KH và tăng 21% so với năm 2016.
Nuôi thủy sản ven biển, ven đảo năm 2017 phát triển mạnh, đặc biệt là nuôi cá lồng bè, đối tượng nuôi chính là cá bóp và cá mú. Tổng số lồng nuôi 2.848 lồng, sản lượng 2.720 tấn đạt 118% KH và tăng 21% so với năm 2016. Phát triển nuôi cá lồng bè được các ngành các cấp quan tâm và có sự chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc Tổ chức, sắp xếp chuỗi liên kết sản xuất cá lồng bè tại xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương đến năm 2020; Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-SNNPTNT triển khai Kế hoạch số 125/KH-UBND của UBND tỉnh. Qua đó, giúp nông dân nuôi cá lồng ven đảo nâng cao hiệu quả nuôi cá lồng, tạo thuận lợi cho nông dân trong tiêu thụ sản phẩm, giúp tăng thu nhập ổn định đời sống.
Tuy nhiên, nuôi cá lồng bè vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như: Lồng bè có kết cấu thô sơ, chủ yếu bằng cây gỗ, khả năng chịu sóng kém. Con giống chưa đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm, cơ sở cung ứng giống chưa đảm bảo chất lượng, nên tỉ lệ hao hụt khi thả giống rất cao. Thức ăn cho cá hoàn toàn là cá tạp nên không chủ động, khó bảo quản, dễ gây ô nhiễm môi trường khi nuôi tập trung. Dịch bệnh xảy ra với tầng xuất ngày càng cao, tuy nhiên việc sử dụng thuốc, hóa chất phòng trị bệnh chưa tuân thủ đúng các quy định dẫn đến điều trị bệnh cá không hiệu quả. Thủ tục đăng ký bè cá và giao mặt nước biển khá mới mẽ, người dân khó thực hiện do trình độ văn hóa còn hạn chế và phương tiện đi lại khó khăn. Do đặc thù loại hình nuôi cá lồng ven đảo phải di dời lồng 2-3 lần/năm (theo hướng gió), nên việc giao mặt nước biển gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, các hộ nuôi chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ và theo chuỗi sản xuất, chủ yếu thả nuôi tự phát nên hiệu quả kinh tế không cao, chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất.
Những khó khăn và thách thức nêu trên, nếu không có kế hoạch giải quyết kịp thời và dài hạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược phát triển kinh tế biển đảo. Do đó, để đạt được mục tiêu năm 2018 và những năm tiếp theo cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thực hiện giao, cho thuê mặt nước biển đúng theo quy định, hình thành vùng nuôi cá lồng bè tập trung. Xây dựng các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với điều kiện từng vùng và triển khai nhân rộng. Tăng cường đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ thuật tiến bộ mới cho tất cả người nuôi cá lồng bè. Quan trắc, cảnh báo môi trường dịch bệnh kịp thời tại vùng nuôi. Áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, cụ thể hóa các chính sách phát triển ngành nghề nông nghiệp - nông thôn, kinh tế khu vực biển, hải đảo,… tích cực triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc Tổ chức, sắp xếp chuỗi liên kết sản xuất cá lồng bè tại xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương đến năm 2020. Trong đó chú trọng việc triển khai có hiệu quả Đề tài Ứng dụng chuỗi liên kết sản xuất cá nuôi lồng bè địa bàn xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương và nhân rộng ra các xã đảo trên địa bàn tỉnh.