TIN THỦY SẢN

Kinh nghiệm áp dụng tiêu chuẩn ASC

Hội thảo“7 vấn đề chính của tiêu chuẩn ASC và lễ trao giấy chứng nhận”, Cần Thơ, 29/01/2013 Đỗ Văn Thông

Bên lề hội thảo “7 vấn đề chính của tiêu chuẩn ASC” do Bureau Veritas Certification tổ chức tại Cần Thơ ngày 29/01/2013, phóng viên Thương mại Thủy sản đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Nam Trân – Giám đốc Chứng nhận, và ông Nguyễn Huy - Giám đốc Sản phẩm ASC của Bureau Veritas về những kinh nghiệm và bài học rút ra trong quá trình áp dụng tiêu chuẩn này của các doanh nghiệp cá tra thời gian qua.

PV. Xin giới thiệu sơ lược về vai trò của Bureau Veritas Certification trong quá trình chứng nhận ASC cho cá tra.

Bà Nguyễn Thị Nam Trân. Là một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp và chứng nhận, Bureau Veritas đã và đang là đối tác tin cậy tại hơn 140 quốc gia, có mạng lưới gồm hơn 1.330 văn phòng và phòng thí nghiệm với hơn 48.000 nhân viên, phục vụ 400.000 khách hàng. Ở Việt Nam, chúng tôi luôn đi đầu triển khai các tiêu chuẩn mới để đồng hành cùng DN đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao từ phía thị trường NK.

Chúng tôi đã tổ chức thành công nhiều buổi hội thảo chuyên ngành trong nhiều ngành nghề khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, để giúp cộng đồng DN thủy sản nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc hơn các yêu cầu về việc kiểm soát ATVSTP của các thị trường. Khi tiêu chuẩn ASC cho cá tra được ban hành, Bureau Veritas Việt Nam đã đại diện cho Bureau Veritas toàn cầu tiến hành các thủ tục cần thiết để đăng ký làm tổ chức chứng nhận cho tiêu chuẩn này và đã được công nhận vào ngày 11/1/2013 vừa qua. Đây là kết quả của những nỗ lực rất lớn của đội ngũ chuyên gia về thủy sản của Bureau Veritas Việt Nam.

PV. Khó khăn lớn nhất của các trại nuôi khi áp dụng tiêu chuẩn ASC hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Huy. So với các tiêu chuẩn ATTP khác như GlobalGAP, BAP,…việc áp dụng ASC làm tăng đáng kể chi phí đối với DN và hộ nuôi do yêu cầu đặc thù của tiêu chuẩn này. Đây thật sự là thách thức cho DN, nhất là trong tình hình khó khăn về vốn hiện nay. Ngoài ra, DN vẫn lo ngại giá bán của sản phẩm được chứng nhận chưa cao hơn, chưa đủ bù đắp chi phí bỏ ra để áp dụng tiêu chuẩn.

Thực tế, trong nhiều trường hợp, giá cá tra nguyên liệu rất thấp, gây tổn thất cho người nuôi. Theo tôi đây là khó khăn lớn nhất khi áp dụng tiêu chuẩn ASC. Ngoài ra, những khó khăn tài chính nhiều khi khiến DN phải cắt giảm một số bước cần thiết khi áp dụng ASC, như đào tạo nhân viên, huy động sự tham gia của nhiều phòng ban liên quan, v.v… Từ đó làm phát sinh những bất cập so với yêu cầu của tiêu chuẩn này.

PV. Bureau Veritas có kinh nghiệm hay lời khuyên gì giúp DN có thể giảm tối đa các loại chi phí?

Ông Nguyễn Huy. Đối với các DN và hộ nuôi tập trung, việc áp dụng ASC đòi hỏi sự quyết tâm, sự chỉ đạo sát sao của ban lãnh đạo và sự tham gia của tất cả các phòng ban; trong khi việc thực hiện các tiêu chuẩn ATTP khác chỉ đòi hỏi sự tham gia của bộ phận quản lý chất lượng hoặc kỹ thuật. Nhân sự tham gia ASC cần được đào tạo bài bản, có nhận thức đúng và đầy đủ về tiêu chuẩn, giúp giảm thiểu sai lỗi khi áp dụng. Cũng nên liên kết các vùng nuôi của DN hoặc các DN xung quanh cùng nhau thực hiện ASC. Điều này sẽ giúp chia sẻ và giảm thiểu các chi phí, như đào tạo, tư vấn, thực hiện báo cáo đánh giá tác động của trại nuôi tới môi trường và hệ sinh thái xung quanh, đánh giá tác động xã hội,…

Lời khuyên đối với người nuôi cũng tương tự như DN, trước hết những hộ nuôi riêng lẻ nên liên kết với nhau. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để giảm chi phí. Đại diện tổ chức ASC đã thông báo quy chế, quy định để chứng nhận ASC theo nhóm. Theo đó, ASC đã thảo luận và hoàn tất bản dự thảo và dự kiến sẽ chính thức ban hành trong năm 2013. Vì vậy, ngay từ bây giờ các hộ nuôi riêng lẻ nên thực hiện ngay việc liên kết nhóm để áp dụng cách chứng nhận ASC với chi phí thấp hơn nhiều này.

Bureau Veritas luôn đồng hành và chia sẻ khó khăn với DN và người nuôi bằng việc cam kết sẽ tổ chức nhiều hơn nữa những hội thảo trao đổi kinh nghiệm về thực tế áp dụng ASC, các khóa đào tạo tập trung cho các nhóm hộ nuôi liên kết với chi phí thấp nhất. Ngay khi ASC ban hành quy định về chứng nhận theo nhóm, Bureau Veritas cũng cam kết sẽ cung cấp dịch vụ chứng nhận ASC theo nhóm liên kết với chi phí cạnh tranh nhất để cùng nhau thực hiện mục tiêu 50% sản lượng cá tra Việt Nam có chứng nhận ASC vào năm 2015.

PV. Với tình hình khó khăn hiện nay, Bureas Veritas đánh giá thế nào về triển vọng thực hiện mục tiêu vừa được nhắc đến?

Bà Nguyễn Thị Nam Trân. ASC là một tiêu chuẩn khó, việc áp dụng đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực rất lớn của DN, không dễ thực hiện. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và sự đồng hành sâu sát trong việc thực hiện đánh giá của Bureau Veritas thì mục tiêu vẫn rất khả thi.

PV. Được biết vào tháng 6 tới bộ tiêu chuẩn ASC dành cho tôm nuôi sẽ được ban hành, Bureau Veritas có sự chuẩn bị gì cho việc này? Cách tiếp cận có gì khác so với cá tra hay không?

Bà Nguyễn Thị Nam Trân. Qua kinh nghiệm của lần đầu chứng nhận ASC cho cá tra, Bureau Veritas đã chuẩn bị kỹ hơn để đăng ký chứng nhận ASC cho tôm trong thời gian sớm nhất, như chuẩn bị nguồn nhân lực, chỉ định giám đốc sản phẩm ASC, đăng ký các chương trình đào tạo, v.v… Để chuẩn bị kỹ về mặt kiến thức kỹ thuật chuyên sâu trong ngành nuôi tôm, Bureau Veritas đã tổ chức cho đội ngũ chuyên gia thủy sản nhiều khóa đào tạo nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện việc đánh giá ASC cho tôm.

Bureau Veritas Việt Nam cũng đã thống nhất chương trình hợp tác với Chi cục Thủy sản một số tỉnh ở khu vực ĐBSCL để tổ chức chuỗi các chương trình tập huấn rộng rãi cho người nuôi tôm nhằm nâng cao nhận thức về mặt trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

PV. Xin cảm ơn ông, bà.

Đỗ Văn Thông Vietfish