TIN THỦY SẢN

Kinh nghiệm nuôi tôm siêu thâm canh hiệu quả cao của nông dân Cà Mau

Nuôi tôm thẻ chân trắng đang được phát triển ở nhiều tỉnh thành. Ảnh: IPI Singapore Lý Vĩnh Phước

Nuôi tôm thẻ chân trắng ở Cà Mau nói riêng, phát triển theo hướng hàng năm tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp và giảm diện tích nuôi tôm Quảng canh cải tiến và Quảng canh.

Vì thế, ngày càng nhiều bà con nuôi tôm thẻ chân trắng ở Cà Mau, mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, mô hình thành công, cho hiệu quả mô hình về lợi nhuận rất tốt.

Tổng diện tích nuôi tôm của Cà Mau, đến thời điểm hiện tại năm 2023 là 278.488 ha. Trong đó, mô hình nuôi tôm công nghiệp là 6.380.57 ha, bao gồm nuôi tôm thâm canh là 1.738.71 ha và siêu thâm canh là 4.641.86 ha. Diện tích nuôi tôm còn lại, bao gồm mô hình nuôi Quảng canh cải tiến và Quảng canh.

Tuy nhiên, cũng như nhiều tỉnh thành nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao, bà con nuôi tôm Cà Mau đang gặp phải các vấn đề về thời tiết, khí hậu, môi trường biến động, dịch bệnh tôm liên tục bùng phát, gây ảnh hưởng xấu đến mô hình nuôi tôm. Không ít hộ nuôi thua lỗ, treo ao, chuyển nghề khác kiếm sống. 

Mặt khác, tỷ lệ nuôi tôm thành công thấp, giá thành sản xuất cao, giá tôm thương phẩm biến động, giảm thấp…Khó khăn là vậy, xong người nuôi tôm Cà Mau với ý chí không ngừng vươn lên, khắc phục khó khăn, luôn tìm tòi học hỏi, liên tục cải tiến kỹ thuật nuôi, cập nhật công nghệ mới. Chủ động hướng mô hình của mình theo mục tiêu an toàn, bền vững, hiệu quả, lợi nhuận cao.

Anh Quỳnh Quốc Trung, Khóm 3, Thị Trấn Rạch Gốc, Ngọc Hiển, Cà Mau cũng trải qua những ngày tháng nuôi tôm vất vả, khó khăn. Từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thả lang hay còn gọi là nuôi quảng canh cải tiến trong vuông, trên diện tích vuông nuôi rộng, thu nhập bấp bênh. 

Anh chuyển sang nuôi ao đất, nuôi theo mô hình bán thâm canh trong ao đất. Tuy thu nhập từ nuôi tôm có cải thiện, nhưng kinh tế gia đình anh vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Nhưng nuôi tôm với anh, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Sau nhiều đêm thao thức, suy nghĩ, toan tính.

Mô hình nuôi tôm ao đất cũng góp phần cải thiện kinh tế cho bà con, nhưng với tình hình hiện tại vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Tép Bạc

Năm 2017, anh quyết định chuyển hơn 1.000 m2 đất gần nhà, xây dựng mô hình ao bạt, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh. Dù là người nuôi tôm lâu năm, có kinh nghiệm nuôi qua các mô hình khác nhau. 

Nhưng khi áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh, anh không tránh khỏi thất bại. Trải qua đầy đủ cung bậc vui buồn nghề nuôi tôm, nếm trải nhiều lần thất thu, tôm đang nuôi bỗng trở bệnh chết hàng loạt, môi trường bất trị…Hơn ai hết anh Trung hiểu, nếu buông xuôi, đồng nghĩa gia đình mình sẽ gặp sóng gió lớn. 

Năm 2018, 2019, tại Cà Mau, Bạc Liêu xuất hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao cho hiệu quả lợi nhuận rất tốt. Sự xuất hiện của công nghệ này, như liều thuốc bổ, vực dậy tinh thần, tạo niềm tin, để anh Trung thực hiện một quyết định táo bạo, Anh nhanh chóng chuẩn bị một kế hoạch mới. 

Dịch Covid kéo dài 2 năm, kinh tế mọi gia đình đều khó khăn, gia đình anh Trung không ngoại lệ. Tưởng chừng trong hoàn cảnh như vậy, đã làm anh mất đi sự quyết tâm theo đuổi quyết định của mình. Nhưng không, anh giành nhiều thời gian đi thực tế tham quan nhiều vùng nuôi trong tỉnh, tỉnh bạn như Bạc Liêu, Sóc Trăng, gặp nhiều người nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, trao đổi, học hỏi, cập nhật thông tin, tiếp thu kiến thức mới.

Năm 2022, anh quyết định nâng cấp 1.000 m2 ao nuôi của mình lên mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, với ao đất phủ bạt tròn nổi. Anh mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị tương xứng mô hình, đặc biệt là xây dựng đầy đủ, đúng kỹ thuật các ao hỗ trợ như ao lắng lọc, ao xử lý, ao sẵn sàng...

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao cho hiệu quả lợi nhuận rất tốt. Ảnh: Tép Bạc

Trước đây, những ao này anh tận dụng để thả nuôi tôm, vì tiếc diện tích dùng xử lý nước quá nhiều. Tư duy thay đổi, kỹ thuật thay đổi, chủ động cập nhật và mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới nên anh đã thu được thành quả mĩ mãn.

Vụ đầu tiên áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, với số lượng tôm giống postlarvae thả nuôi ban đầu 200.000 con, sau 80 ngày nuôi, bằng thức ăn Saving SS40 40 đạm, của công ty ANT, tôm về size 32 con/kg. Sản lượng tôm thu hoạch > 6 tấn tôm thương phẩm, lượng thức ăn tiêu thụ 7,1 tấn, hệ số tiêu tốn thức ăn FCR: 1.18.

Thời điểm này, giá tôm thương phẩm còn tốt, đặc biệt size tôm từ 32 con trở xuống, giá có lợi nhuận cho người nuôi. Với giá bán tại thời điểm tháng 6/2022 size 32 con là 144.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí, anh lãi hơn 588 triệu đồng.

Từ ngỡ ngàng đến bất ngờ với kết quả và lợi nhuận, vỡ oà trong cảm xúc hạnh phúc, mô hình thành công ngoài sức tưởng tượng của anh và gia đình.

Thành công nối tiếp thành công, qua mỗi đợt nuôi anh lại rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Anh chủ động, điều chỉnh, để mô hình của mình ngày càng phát triển theo hướng ổn định, bền vững, có hiệu quả lợi nhuận cao, nhưng tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư, ít tác động xấu đến môi môi trường xung quanh.

Lựa chọn quy trình, mô hình và sản phẩm nuôi phù hợp có thể nâng cao năng suất nuôi trồng. Ảnh: Tép Bạc

Qua khảo sát mô hình anh Trung đang áp dụng, chúng tôi nhận thấy mấu chốt thành công đọng lại ở các vấn đề sau: Chọn mô hình nuôi phù hợp diện tích nhỏ, tiết kiệm chi phí đầu tư. Trang bị đầy đủ hệ thống ao xử lý nguồn nước, vận hành nhịp nhàng, hiệu quả. 

Anh luôn ương tôm giống post 15- 20 ngày, sau đó mới san, chuyển sang ao nuôi và san chuyển, chủ động thay nước liên tục trong quá trình nuôi. Định lượng kỹ thức ăn theo nhu cầu sử dụng thực tế của tôm, không để dư mồi, dễ làm môi trường ô nhiễm, phát sinh khí độc. 

Trong định lượng thức ăn, anh luôn cho tôm ăn ≤ 80% so nhu cầu, chủ động giảm lượng khi thời tiết, môi trường thay đổi, khi tôm lột, khi tôm sức khoẻ kém, khi màu nước xấu…Chủ động gây và giữ màu tảo khuê (nước nuôi màu chè) bằng chế phẩm sinh học, Enzyme, kết hợp một số loại vôi dùng trong nuôi thuỷ sản. Hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, nếu bắt buộc sử dụng không quá 3 ngày. 

Trước khi sử dụng thuốc kháng sinh, anh nhờ kỹ thuật công ty làm kháng sinh đồ, xác định kháng sinh kháng khuẩn, không sử dụng kháng sinh theo số đông người nuôi tôm hay sài. Tập trung giải độc gan, sau khi dùng thuốc. Phòng bệnh chủ động thông qua dinh dưỡng bổ xung: chất hỗ trợ gan, ruột, tăng đề kháng, tăng sức khoẻ tôm. Chế phẩm sinh học, enzyme, beta glucan…trộn vào thức ăn hàng ngày. Sử dụng thức ăn 40 % đạm từ đầu đến cuối vụ nuôi, để chủ động tiết giảm chi phí sản xuất.

Lý Vĩnh Phước