TIN THỦY SẢN

Kinh nghiệm từ vụ tôm buồn ở Móng Cái

Vụ xuân - hè, phần lớn các hộ nuôi tôm ở xã Vạn Ninh đều thất thu do tôm nuôi bị mắc bệnh. Quế Ninh

Ngay từ đầu vụ xuân - hè năm nay, nông dân một số vùng nuôi tôm trọng điểm của TP Móng Cái đã phải đánh vật với tình hình dịch bệnh.

Sản lượng vụ tôm xuân - hè tại Móng Cái giảm hơn so với cùng kỳ năm trước, song vẫn được coi là được mùa và là vụ tôm vượt khó thành công của người nuôi tôm.

Dịch bệnh hoành hành

Theo báo cáo của TP Móng Cái, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố là 1.767ha, trong đó có 994ha nuôi tôm thẻ chân trắng, đạt 94,7% kế hoạch. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2.884 tấn, bằng 94,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cũng từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, khiến cho người nuôi tôm tại một số vùng nuôi tôm tại Móng Cái bị thiệt hại nặng nề.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 84,25ha nuôi tôm của 144 hộ dân bị chết do dịch bệnh, chiếm 8,5% diện tích nuôi tôm toàn thành phố. Dịch bệnh được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xác định là do bệnh hoại tử gan, tụy cấp. Đã có 7/12 xã, phường nuôi tôm có tôm chết, trong đó nhiều nhất là xã Vạn Ninh và phường Hải Hòa. TP Móng Cái đã cấp phát 31.150kg hóa chất Chlorine cho người dân khử trùng vùng nuôi theo quy định và Phòng Kinh tế thành phố cùng với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tích cực phối hợp với các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh thời tiết nắng nóng làm phát sinh dịch bệnh thì việc người nuôi tôm giấu dịch, tự ý xử lý dịch bệnh và xả nước từ các ao nuôi bị bệnh ra môi trường là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng.


Ông Bùi Văn Trình, thôn Đông, xã Vạn Ninh, kiểm tra tôm nuôi vụ hè thu của gia đình mới thả nuôi.

Tại vùng nuôi tôm tập trung tại thôn Nam, xã Vạn Ninh, vào thời điểm này người nuôi tôm đã thả giống cho vụ nuôi mới nhưng tâm lý chung vẫn là thả giống ít và thận trọng hơn trong quá trình nuôi. Anh Hoàng Văn Khang, hộ nuôi tôm ở thôn Nam, cho biết: Vụ xuân - hè vừa rồi, gia đình tôi thả nuôi 2 ao, mỗi ao 2.500m2 với 25 vạn tôm giống Việt - Úc. Một ao khi mới thả giống được hơn 20 ngày thì đã xuất hiện tôm chết nên gia đình đã xử lý hóa chất. Còn một ao nuôi được hơn 40 ngày nên gia đình đã tận thu. Vụ nuôi này, gia đình tôi cố gắng lắm nhưng cũng mới chỉ thả nuôi được 1 ao. Trong điều kiện vùng nuôi vừa xảy ra dịch bệnh, chúng tôi hiện cũng đang rất lo lắng.

Còn tại khu ao đầm rộng 5ha của gia đình anh Nguyễn Xuân Dĩ, vụ nuôi này, đến nay anh Dĩ mới chỉ thả nuôi được 2 ao vì vụ xuân - hè vừa qua, ngay vụ đầu tiên khi mới cải tạo xong ao đầm, anh Dĩ thả hơn 100 vạn giống xuống 4 ao nuôi. Khi tôm nuôi được 20 ngày thì xuất hiện dịch bệnh và chết hàng loạt khiến anh Dĩ phải xử lý hóa chất đối với toàn bộ 4 ao nuôi. Đến vụ này, anh Dĩ cố gắng cải tạo xong ao đầm và chỉ thả nuôi cầm chừng 2 ao.

Là một trong số những người nuôi tôm mạnh dạn và có nhiều kinh nghiệm, sau nhiều năm lăn lộn với nghề nuôi tôm, ông Bùi Ngọc Liêm, khu 9, phường Hải Hòa, đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp rộng gần chục ha và được thiết kế một cách khoa học từ hệ thống bể cấp nước, khu ương giống, ao nuôi, khu xử lý môi trường… theo hình thức khép kín. Dẫn chúng tôi đi thăm một số ao nuôi vừa mới thả giống, ông Liêm cho biết: Với mô hình nuôi tôm khép kín được đầu tư cao từ 600-700 triệu đồng/ao, nhằm hạn chế rủi ro về dịch bệnh, thời gian cho mỗi vụ nuôi sẽ giảm đáng kể, vụ đông chỉ từ 90-100 ngày, vụ hè chỉ từ 70-80 ngày. Mỗi năm người nuôi tôm có thể nuôi được 3 vụ và năng suất tôm nuôi cũng cao hơn. Với mỗi ha nuôi tôm công nghiệp khép kín, năng suất bình quân sẽ đạt trên 10 tấn/ha khi nuôi chính vụ, còn nuôi trái vụ (vụ thu - đông) sẽ đạt 6-7 tấn/ha. Nhiều năm nay, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho gia đình. Tuy nhiên, vụ xuân - hè vừa qua, dịch bệnh đã khiến gia đình thất thu lớn.

Vụ tôm xuân - hè này, trên diện tích 7ha, ông Liêm thả gần 5 triệu tôm giống các loại, song ngay từ đầu vụ, khi mới thả giống được gần 40 ngày thì đã xuất hiện tình trạng tôm chết tại hơn 10 ao nuôi. Sau khi xử lý ao, đầm, ông Liêm lại tiếp tục thả giống đợt 2 và vẫn xuất hiện tình trạng tôm chết. Nếu như vụ xuân - hè năm 2017, ông Liêm thả hơn 2 triệu tôm giống, thu về gần 40 tấn tôm thương phẩm thì vụ nuôi này, gần 5 triệu giống mới cho thu chưa đầy 20 tấn tôm thương phẩm. Trừ chi phí, vụ nuôi này gia đình ông không có lãi.


Nhiều hộ nuôi phải tận thu khi tôm nuôi mới được 30-40 ngày tuổi.

Cũng tương tự, gia đình ông Bùi Văn Trình, thôn Đông, xã Vạn Ninh (Móng Cái) thả nuôi 2,3 triệu tôm giống trên diện tích hơn 2ha với 8 ao nuôi. Mặc dù toàn khu nuôi tôm của gia đình ông Trình đã được đầu tư quy mô hiện đại, song vụ nuôi vừa rồi cũng không tránh khỏi dịch bệnh hoành hành. Trong số 8 ao nuôi thì đã có 4 ao gần như mất trắng do dịch bệnh. Ông Trình cho biết: Vụ nuôi vừa rồi, trong điều kiện dịch bệnh hoành hành tại vùng nuôi tôm tập trung xã Vạn Ninh, mặc dù đã rất cố gắng song 1/2 diện tích ao nuôi tôm của gia đình tôi đã bị thiệt hại do dịch bệnh. Dốc toàn tâm, toàn sức cho 4 ao nuôi còn lại, cuối vụ gia đình tôi cũng thu được 16,5 tấn tôm. Sau khi trừ chi phí, may mắn gia đình vẫn có lãi được hơn 200 triệu đồng. Vụ nuôi này, tôi nuôi 4 ao với 2,1 triệu giống. Hiện nay, tôm đã được 40 ngày tuổi và đang phát triển tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh vừa mới xảy ra và thời tiết bất thường nên rủi ro là rất lớn, người nuôi tôm như chúng tôi không dám lơ là.

Giải pháp nào cho người nuôi tôm

Một điều dễ nhận thấy trong vụ tôm xuân - hè tại Móng Cái là trong khi dịch bệnh hoành hành tại một số vùng nuôi trọng điểm như: Vạn Ninh, Hải Hòa, Hải Đông và một số địa phương khác cũng lác đác xuất hiện dịch bệnh, tỷ lệ thiệt hại đối với người nuôi tôm từ 40-90%, thì nhiều vùng nuôi khác như Bình Ngọc, Hải Xuân, Quảng Nghĩa…, tỷ lệ các hộ nuôi thành công đạt từ 80% đến hơn 90%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thiều Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Vụ xuân - hè, toàn bộ các vùng nuôi tôm tập trung trên địa bàn tỉnh đều chưa được giám sát lưu hành dịch bệnh trước vụ nuôi. Do việc thẩm định, cấp kinh phí muộn nên trong vụ này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chưa tổ chức lấy mẫu tôm, mẫu đất, mẫu nước để quan trắc môi trường dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi. Còn tại Móng Cái, cùng với việc các vùng nuôi đều chưa được giám sát lưu hành dịch bệnh trước vụ nuôi thì khi xảy ra dịch bệnh, ý thức của người nuôi cũng như công tác quản lý, giám sát dịch bệnh của ngành chức năng, địa phương chưa được chặt chẽ, khiến cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng.


Trong khi đó vụ nuôi xuân - hè, trên 90% diện tích tôm nuôi ở phường Bình Ngọc cho thu hoạch với năng suất khá cao.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Hữu Chánh, kỹ sư Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết: Vụ nuôi vừa rồi, Công ty chúng tôi cung cấp cho người nuôi tại địa phương hơn 100 triệu con giống và thức ăn các loại. Qua diễn biến tình hình dịch bệnh cũng như kết quả vụ nuôi tại một số địa phương cho thấy vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, con giống, kỹ thuật nuôi quyết định rất lớn tới hiệu quả nghề nuôi tôm. Có thể so sánh các nội dung này ở 2 vùng nuôi tôm tại Móng Cái là Bình Ngọc và Vạn Ninh. Trong khi 2 địa phương này cùng nguồn nước nhưng kết quả nuôi lại trái ngược nhau. Bình Ngọc tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 90% thì tỷ lệ nuôi thành công ở Vạn Ninh chỉ được dưới 10%. Theo đó, hiện nay, 100% ao nuôi tôm ở Bình Ngọc được lót bạt, có đầy đủ hệ thống bể chứa, bể lắng, xử lý nước thì ở Vạn Ninh hơn 80% ao nuôi vẫn là ao đất. Về kỹ thuật nuôi hiện nay, một số vùng nuôi tôm tập trung như Bình Ngọc, Hải Hòa, kỹ thuật nuôi tôm của người dân được cải tiến với việc tăng số lượng guồng quạt, nuôi theo quy trình VietGAP và áp dụng quy trình 3 sạch (nước sạch, đáy sạch, tôm sạch); trong khi đó, tại các vùng có diện tích tôm mắc bệnh vừa qua thì quy trình nuôi tôm vẫn chưa được các chủ đầm tuân thủ tốt.

Mặc dù ngay từ đầu vụ xuân - hè, dịch bệnh đã phát sinh và lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm tại một số vùng nuôi tôm tập trung tại Móng Cái, tuy nhiên, người nuôi tôm ở Móng Cái đã vượt khó thành công. Để hạn chế, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh trong nghề nuôi tôm, đặc biệt là trong điều kiện, môi trường nuôi công nghiệp như hiện nay, theo các chuyên gia, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi thì người nuôi cần đặc biệt quan tâm đến tính mùa vụ, áp dụng quy trình kỹ thuật, quản lý nuôi tiên tiến.

Quế Ninh Báo Quảng Ninh