TIN THỦY SẢN

Kỳ công kỹ thuật nhân giống cá "phát ra tiếng kêu"

Cá linh đầu mùa được xem là ngon, ngọt thịt nhất, chỉ bé như đầu đũa nên người dân gọi là cá linh non hay cá linh sữa. Ảnh minh họa Tâm Minh

Với nhiều năm kinh nghiệm, thạc sĩ Nguyễn Hữu Tân đã nghiên cứu, sinh sản nhân tạo thành công nhiều giống thủy sản đặc trưng đang dần khan hiếm ở ĐBSCL

Sinh ra trong một gia đình bao đời làm nông, gắn bó với ruộng đồng nên ông Nguyễn Hữu Tân (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) đặc biệt say mê các loài cá bản địa của miền Tây Nam Bộ như cá linh, bống tượng... Đây là những giống cá có sức sống mạnh mẽ và thịt rất ngon, bổ dưỡng.

"Đỡ đẻ" cho cá

Năm 1986, sau khi tốt nghiệp ngành thủy sản Trường ĐH Cần Thơ, ông Tân về làm việc tại Sở Thủy sản tỉnh Đồng Tháp. Công việc ông được phân công là xây dựng các trung tâm giống thủy sản.

Từ đó, dù giữ vị trí công tác nào, ông Tân vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông luôn ấp ủ nghiên cứu các loại cá đồng đặc trưng vùng sông nước miền Tây để vừa bảo tồn vừa có nguồn giống chất lượng để nông dân nuôi thương phẩm, làm giàu.

Sau nhiều năm làm việc, ông Tân về quê nhà Châu Thành xây dựng cơ ngơi với hệ thống bồn ươm cá, ao nuôi rộng 7.000 m2. Ngày ngày, ông miệt mài nghiên cứu cá giống.

Theo ông Tân, người nhân giống cá cần nắm rõ đặc tính sinh sản của từng loài để tạo điều kiện phù hợp, hiệu quả cao. Năm 1992, ông "đỡ đẻ" thành công cho cá bống tượng - một loài cá đang khan hiếm, nhất là những con cỡ lớn.

Ông Tân nhớ lại: "Khác với tôm, cá bống tượng bố mẹ đến thời kỳ sinh sản được nuôi nhốt chung rồi tiêm chất kích thích, sau vài giờ thì đẻ trứng. Trứng cá được vớt ra cho vào bồn riêng, khoảng 18 đến 24 giờ sau sẽ nở. Thêm một tháng nuôi bằng trứng nước (bo bo), chúng sẽ lớn thành cá hương, cá giống có thể xuất bán".

Sau khi bán hết lứa cá bống tượng đầu tiên, ông Tân nhận được phản hồi tích cực từ người nuôi. Sau đó, ông còn xuất khẩu cá giống sang Đài Loan - Trung Quốc với giá cao. Việc nhân giống cá bống tượng thành công đem lại lợi nhuận cho người nuôi, giúp giảm đánh bắt ngoài tự nhiên - vốn dễ dẫn đến cạn kiệt.

Không dừng lại ở đó, ông Tân còn nhân giống thành công cá linh, phục vụ nhu cầu của các chủ ao nuôi trước khi lũ về. Theo ông Tân, cá linh thuộc loài đẻ trứng bán trôi nổi (nửa nổi, nửa chìm) nên việc nhân giống thường vào buổi tối, phải sục ôxy liên tục lúc cá bố mẹ bắt cặp. Điều thú vị là khi tìm bạn tình và giao phối, chúng phát ra tiếng kêu.

"Qua nhiều năm trong nghề, tôi phát hiện chỉ có cá linh và cá mè vinh phát ra tiếng kêu. Nghe tiếng cá kêu, nhảy lách tách trên mặt nước xen lẫn tiếng nước chảy róc rách là tôi biết chúng đang giao phối. Vài giờ sau khi cá sinh, tôi rút hết nước trong bể, dùng vải mùng hứng trứng đã thụ tinh cho vào bể khác để nở ra cá bột. Số cá linh bố mẹ được tôi thả vào ao kèm một ít thức ăn để chúng lấy lại sức" - ông Tân cho biết.

"Anh cả" của sinh viên

Mỗi năm, ông Tân cung cấp hàng trăm triệu cá linh bột cho các hộ nuôi ở Đồng Tháp để nhân giống và cung cấp cá linh non ra thị trường. Ông có tình cảm đặc biệt với cá linh không chỉ vì loài thủy sản này là miền ký ức của nhiều người mà còn bởi chúng mang lại nhiều giá trị kinh tế, nông dân có thể khai thác.


Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tân nhân giống thành công nhiều loài cá đặc trưng ở ĐBSCL. Ảnh Tâm Minh

"Dân mình nên nuôi cá linh thay vì đánh bắt tận diệt. Có như vậy mới mong con cháu đời sau biết đến những loài cá đặc trưng của vùng miền. Nếu không, với đà khai thác bất chấp như lâu nay, có khi thế hệ sau chỉ biết cá linh, bống tượng, cá sặc… qua sách vở" - ông Tân băn khoăn.

Nhờ ông Tân hướng dẫn, nhiều hộ dân đã nuôi thành công cá linh. Sau một tháng, trên diện tích 10 ha đồng lúa có thể thu hoạch 1,5 tấn cá, với giá bán bình quân 130.000 đồng/kg có thể thu nhập 170 triệu đồng.

"Ngoài việc giúp con giống, ông Tân còn nhiệt tình hướng dẫn quy trình nuôi cá linh sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, gia đình tôi đã phát triển tốt mô hình nuôi cá linh" - Anh Lê Thanh Hải - TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp phấn khởi cho biết.

Mấy năm gần đây, ông Tân còn tham gia công tác giảng dạy. Hiện ông là Phó trưởng Bộ môn Nuôi trồng thủy sản - Trường ĐH Đồng Tháp. Không chỉ dạy qua sách vở, thạc sĩ Tân còn lập một khu sản xuất cá giống, gồm 50 bể nuôi cá linh, cá rô, cá trê, ốc bươu, bèo hoa dâu... để sinh viên quan sát, học tập.

Nhiều sinh viên tỏ ra rất thích thú với cách dạy thực tế của ông Tân. "Thầy Tân có phương pháp dạy rất dễ hiểu. Sinh viên thường xuyên được thầy dẫn đi thực tế nên nắm bắt được kiến thức rất nhanh. Thầy Tân như người anh cả trong gia đình, luôn dạy bảo sinh viên tận tình" - một sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp cảm kích.

Tâm huyết, tận tụy

Theo ông Phạm Văn Tâm - Trưởng Phòng Kỹ thuật, Huấn luyện, Chuyển giao công nghệ thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành - thạc sĩ Nguyễn Hữu Tân là người tâm huyết và tận tụy với nghề nuôi trồng thủy sản. Bất cứ ai muốn nuôi cá nhưng chưa đủ kinh nghiệm đều được ông chỉ dẫn tận tình và truyền đạt nhiều kiến thức bổ ích. Việc làm của ông Tân không chỉ giúp bảo tồn các loài thủy sản đặc trưng mà còn tạo nên làn gió mới cho ngành nuôi trồng thủy sản ở địa phương nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung.

Tâm Minh Báo Người lao động