TIN THỦY SẢN

Kỹ thuật mới trong khai thác thủy sản

Gần đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh đã triển khai nhiều phương tiện kỹ thuật mới, hỗ trợ tích cực việc đánh bắt thủy hải sản của ngư dân Núi Thành. Bẫy lồng cải tiến

Lắp đặt hệ thống máy dò ngang trên tàu. Ảnh: B.L 

Thực tế, nghề đánh bắt thủy hải sản (cua, ghẹ…) bằng bẫy lồng đã được ngư dân ứng dụng từ lâu, chủ yếu phục vụ khai thác nội đồng và ven biển. Tuy nhiên, bẫy lồng truyền thống không đem lại năng suất cao, lại gây ảnh hưởng đến nguồn lợi của các loài nhuyễn thể, giáp xác. Gần đây, trên cơ sở nghiên cứu ưu, nhược điểm của các kiểu bẫy lồng truyền thống tại Việt Nam và các kiểu bẫy lồng cải tiến của một số quốc gia ven biển khác, nhóm nghiên cứu Viện Khoa học & công nghệ kỹ thuật thủy sản (trường Đại học Thủy sản Nha Trang) đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo, chuyển giao công nghệ, thiết bị bẫy lồng cải tiến cho một số tỉnh thành, phục vụ phát triển kinh tế biển.

Tại Quảng Nam, Đại học Nha Trang đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành chuyển giao 350 bẫy lồng cải tiến cho 2 hộ ngư dân thuộc xã Tam Hòa và Tam Hải, đồng thời tổ chức tập huấn mô hình đánh bắt thủy hải sản bằng bẫy lồng cho 30 ngư dân xã Tam Hòa. Mục tiêu chương trình là giúp ngư dân chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ven bờ, cải thiện đời sống và bảo vệ môi trường sinh thái biển tại địa phương.

Hiệu quả của việc đánh bắt bằng bẫy lồng cải tiến trên thế giới và một số địa phương tại Việt Nam đã được minh chứng. Nghề lồng bẫy khai thác hải sản tương đối thân thiện với môi trường nếu có cách tổ chức sản xuất hợp lý. Ngoài là nghề sinh kế, bảo vệ nguồn lợi nhuyễn thể giáp xác đang bị đánh bắt bởi các nghề không thân thiện như lưới kéo đáy, lưới rê 3 lớp… nghề bẫy lồng còn mở ra triển vọng cho việc phát triển du lịch bền vững. Nhiều quốc gia đã sử dụng bẫy lồng vào mục đích khai thác thương mại biển và giải trí. Một số địa phương trên cả nước đã được chuyển giao, ứng dụng thiết bị kỹ thuật này như Quỳnh Lưu, Cửa Lò (Nghệ An), Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Đồng Hới (Quảng Bình), Gio Việt (Quảng Trị), Bình Châu (Quảng Ngãi), Cam Ranh (Khánh Hòa)… Theo các chuyên gia, nhóm bẫy lồng cải tiến như lồng chữ nhật trung, lồng trụ tròn xếp và lồng mái vòm trung với hom lưới màu vàng và xanh sậm, sử dụng kích thước cạnh mắt lưới 15mmSq cho lồng chữ nhật và lồng mái vòm, 12,5mmSq dùng cho lồng trụ tròn xếp vốn có quy trình thi công, chế tạo đơn giản, phù hợp với điều kiện ngư dân, lại có vốn đầu tư thấp, phù hợp với việc đánh bắt nhỏ, ven bờ. Với các kiểu lồng này, đối tượng khai thác, đánh bắt được hướng đến là nhóm sinh vật gần bờ như ghẹ xanh, ghẹ 3 chấm, ốc hương…

Ông Trần Văn Trường, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, đến nay từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, phòng đã hỗ trợ 2 ngư dân xã Tam Hòa và Tam Hải 350 lồng bẫy cải tiến. Hai hộ được chọn là ông Trần Xuân Thủy (thôn Hòa Bình, Tam Hòa) và Bùi Thanh Phong (thôn Xuân Mỹ, Tam Hải), vốn là những đối tượng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh bắt bằng bẫy lồng… Lồng bẫy dễ lắp ráp, vận chuyển, không cồng kềnh nên có những tiện lợi nhất định. Hiện các ngư dân trên đã được chuyển giao công nghệ, thiết bị, sẵn sàng cho mùa vụ đánh bắt ghẹ sắp tới.

Máy dò ngang

Nhiều chủ phương tiện lưới vây đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khai thác, sử dụng máy dò ngang để tăng khả năng phát hiện đàn cá trước khi thả lưới. Sau mỗi chuyến biển khai thác bằng nghề lưới vây (khoảng 15 ngày), nhiều ngư dân có thu nhập đến 50 triệu đồng. Theo ông Trần Văn Trường, kỹ thuật đánh bắt cá bằng máy dò ngang đã phát huy hiệu quả tại một số địa phương trên cả nước. Ở Quảng Nam, ngư dân hoạt động trong nghề lưới vây của huyện Núi Thành đã được Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 3 máy dò ngang Sonar JMC-CSL-1000, với trị giá mỗi máy từ 280 - 300 triệu đồng, trong đó hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giá trị.

Máy có công suất phát 1.500W, có khả năng phát hiện đàn cá chính xác trong phạm vi bán kính 400m, cho hình ảnh đàn cá rõ nét ở tất cả các vị trí quan sát khác nhau. Ngư dân đánh bắt bằng máy dò ngang có nhiều lợi thế, nếu như trước, việc sử dụng máy dò đứng chỉ giúp phát hiện đàn cá dưới tàu, thì máy dò ngang có thể giúp họ mở rộng phạm vi phát hiện cá cả khu vực xung quanh tàu nên hiệu quả khai thác sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, mức đầu tư cho mỗi máy lên đến gần 300 triệu đồng là khó khăn đối với ngư dân. Nhiều ngư dân rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chương trình, song mức hỗ trợ chỉ có hạn. Nếu ngân hàng có chính sách cho vay ưu đãi, chắc chắn ngư dân sẽ đầu tư, và giá trị đánh bắt sẽ không ngừng tăng lên.

Cũng theo ông Trường, sắp tới địa phương sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh tổ chức hội thảo đầu bờ để phổ biến kỹ thuật khai thác trên đến đông đảo ngư dân trên địa bàn huyện, giúp bà con hiểu rõ về tính năng, hiệu quả của máy dò ngang để có mức đầu tư hợp lý nhằm tăng năng suất, sản lượng khai thác.

Theo báo Quảng Nam