TIN THỦY SẢN

Lại muốn xây dựng đề án phát triển ngành cá tra!

Ban kinh tế Trung ương đề xuất xây dựng đề án mới cho cá tra. Trong ảnh là công nhân chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Tiền Giang- Ảnh: Trung Chánh Trung Chánh

Để ngành cá tra có thể vượt qua khó khăn và vươn lên phát triển mạnh trong thời gian tới, nhất thiết phải xây dựng một đề án để củng cố và phát triển ngành hàng này theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, theo ông Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương.

Lý giải cho đề xuất của mình, bên lề hội nghị “Bàn giải pháp chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra” được tổ chức tại Cần Thơ hôm nay 30-7, ông Lê Vĩnh Tân cho rằng sự suy thoái của ngành hiện nay đang đặt ra yêu cầu phải sớm tái cấu trúc.

Từ năm 2016 trở đi, Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cho nên nếu ngành cá tra vẫn cứ đi theo hướng cũ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, và nhiều khả năng sản phẩm cá tra sẽ biến mất trên thị trường thế giới và lợi thế của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng sẽ không còn, ông Tân nói.

Theo ông Tân, cá tra là loại thủy sản có giá trị cao hơn nhiều lần so với các loại nông, thủy sản khác, vì chỉ với chưa đến 6.000 héc ta diện tích nuôi nhưng có thể mang về cho đất nước 1,8 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu mỗi năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, theo báo cáo của Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius), xuất khẩu cá tra cả nước đạt gần 750 triệu đô la Mỹ, giảm 9,03% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất sang Mỹ đạt trên 159 triệu đô la Mỹ, chiếm trên 21% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành; sang EU đạt trên 142 triệu đô la Mỹ, chiếm trên 19%, sang Trung Quốc đạt gần 63 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 8%.

“Vậy đề án sẽ được xây dựng như thế nào?” ông Tân đặt vấn đề và cho rằng phải làm sao hiểu rõ nhu cầu của từng nước nhập khẩu để từ đó có đưa ra sản phẩm phù hợp với từng thị trường.

Thực tế, theo tìm hiểu của TBKTSG Online, hiện sản phẩm cá trá của Việt Nam rất đơn điệu. Xuất khẩu cá tra ở dạng phi lê đông lạnh chiếm khoảng 85% khối lượng toàn ngành; cá nguyên con, cắt khúc các loại chiếm khoảng 8%...

Ông Tân cũng đề cập đến chuyện cạnh tranh bất lợi giữa các doanh nghiệp trong ngành theo kiểu cạnh tranh phá giá rất phổ biến thời gian qua. “Mỗi kỳ hội chợ thủy sản ở Boston (Mỹ) hay Brussels (Bỉ), doanh nghiệp đi và chào giá riêng, không có sự thống nhất, cho nên sau mỗi một lần dự hội chợ về là doanh nghiệp đua nhau hạ giá,” ông dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius), cho rằng những đề án lớn về sản phẩm chủ lực của ĐBSCL, trong đó có cá tra, thời gian qua cũng đã được nhiều cơ quan làm, nhưng có vẻ nguồn lực để thực hiện là một thách thức đối với họ.

Theo ông, để không bị trùng lắp, thì đề án cá tra mới (nếu muốn xây dựng) đó chỉ có thể là đề án về xây dựng thương hiệu, bởi những nền tảng về sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm…, đã có trong quy định của nghị định cá tra.

Do đó, theo ông Dũng, cần tập trung vào tìm hiểu các thị trường như EU, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc… về hành vi tiêu dùng từ đó đưa ra chiến lược cho phù hợp.

“Chúng ta không thể dựa vào phán đoán của một vài chuyên gia, mà phải bằng nghiên cứu chuyên môn sâu của những đơn vị chuyên khảo sát về thị trường. Từ cơ sở đó, chúng ta sẽ sản xuất những sản phẩm loại nào, cần phải có những máy móc thiết bị gì, quy trình công nghệ ra sao... Như vậy, mới có thể xây dựng được thương hiệu, hình ảnh,” ông khẳng định.

Theo thông tin được chia sẻ tại hội nghị này, giá cá tra nguyên liệu hiện được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua vào dao động khoảng 20.000-21.500 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư, người nuôi vẫn đang chịu lỗ khoảng 1.000-1.500 đồng/kg.

Trung Chánh TBKTSG Online, 30/07/2015